Lãnh đạo Anh, Trung Quốc điện đàm về vấn đề Triều Tiên

Ngày 25/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May để thảo luận về quan hệ song phương cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May (phải). Ảnh: reuters

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc kiên định với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, kiên quyết duy trì một thể chế quốc tế không làm giàu hạt nhân và bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, vấn đề bán đảo Triều Tiên cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các hoạt động đối thoại và tham vấn, trong đó cần đến những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Anh sẽ cam kết tích cực với các hoạt động vì hòa bình, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán cũng như sẽ đóng một vai trò xây dựng nhằm làm giảm căng thẳng và tái khởi động các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Thủ tướng May khẳng định Anh cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định của quốc tế và khu vực, ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Anh cũng đánh giá sức ảnh hưởng quan trọng của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên đồng thời đánh giá cao những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện và bày tỏ sẵn sàng tăng cường sự liên hệ, phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề này.
 
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề song phương.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ là một sự "vô trách nhiệm cùng cực" nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) tại Thái Bình Dương như lời cảnh báo của Bình Nhưỡng.

Phát biểu với các phóng viên khi trên đường đến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh đó sẽ là sự vô trách nhiệm với thế giới cũng như với sự ổn định và tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Mattis từ chối bình luận về việc liệu một vụ thử bom nhiệt hạch như cảnh báo sẽ bị coi như một hành động gây chiến hay không.

* Liên quan đến cách biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, chuyên gia nhận định sắc lệnh mới áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt mới với các du khách đến từ Triều Tiên của Mỹ mang tính tượng trưng chứ không tác động tới Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia Hong Min thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vốn đã cấm hầu hết 24 triệu dân nước này du lịch nước ngoài, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như những công việc đem lại ngoại tệ hay tham gia các sự kiện thể thao.


Triều Tiên có hàng chục nghìn lao động tại nước ngoài nhưng không ai được cho là ở Mỹ. Chuyên gia này cũng dự đoán Triều Tiên sẽ không có hành động đáp trả nào đối với lệnh cấm này.
 
Động thái mới nhất trên của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng, bao gồm đình chỉ các thị thực nhập cư và không nhập cư của các công dân Triều Tiên, được đưa ra trong bối cảnh cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng.

Trước đó, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định chính những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là "đúng đắn", đồng thời tuyên bố đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa này.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cũng cảnh báo Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) ở Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ.

TTXVN/Báo Tin Tức
Liên lạc cấp cao giữa Trung Quốc và Triều Tiên bị gián đoạn
Liên lạc cấp cao giữa Trung Quốc và Triều Tiên bị gián đoạn

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc ngày 25/9 tiết lộ Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc liên lạc với Triều Tiên do kênh liên lạc cấp cao giữa hai bên trên thực chất đã bị gián đoạn, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử hạt nhân và tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN