Trước đó, ngày 22/3 vừa qua, lực lượng Taliban - hiện đang lãnh đạo Afghanistan - đã bất ngờ rút lại thông báo mở cửa trường trung học cho nữ sinh, tuyên bố các trường này vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi một kế hoạch được đề ra theo luật Hồi giáo cho phép hoạt động trở lại. Quyết định được đưa ra sau nhiều tháng cộng đồng quốc tế nỗ lực làm việc để giải quyết vấn đề hỗ trợ chi trả lương cho giáo viên, cũng như vào thời điểm trẻ em gái Afghanistan háo hức quay trở lại trường học lần đầu tiên sau 7 tháng thất học.
Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kabul ngày 27/3, cô Halima Nasari - nhà hoạt động bảo vệ quyền của nữ giới tại Afghanistan - đã đọc tuyên bố chung của 4 nhóm nữ quyền tại Afghanistan, trong đó kêu gọi chính quyền Taliban đảo ngược quyết định nói trên trong vòng một tuần. Tuyên bố nhấn mạnh nếu yêu cầu chính đáng này không được đáp ứng, các nhóm sẽ phát động hành động phản đối trên toàn đất nước Afghanistan. Cũng theo tuyên bố trên, thay vì đóng cửa các cơ sở giáo dục hiện có, Taliban nên xây dựng thêm nhiều trường học hơn cho trẻ em gái ở các vùng nông thôn.
Phát biểu tại cuộc họp báo, nữ sinh Zarghuna Ibrahimi, 16 tuổi, cho rằng phụ nữ, giáo viên và trẻ em gái nên xuống đường bày tỏ sự phản đối và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ họ trong nỗ lực này.
Ngày 26/3, khoảng 20 nữ sinh và phụ nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul yêu cầu mở lại các trường học.
Cho đến nay, Bộ Giáo dục Afghanistan vẫn chưa đưa ra lý do rõ ràng về quyết định đóng cửa trường học. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP của Pháp, thủ lĩnh cấp cao của Taliban Suhail Shaheel cho biết có "một số vấn đề thực tế" phải được giải quyết trước khi mở cửa trở lại trường học.
Không chỉ vấp phải sự phản đối trong nước, quyết định của chính quyền Taliban tiếp tục đóng cửa các trường nữ sinh trung học đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Na Uy, Canada và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cùng ra tuyên bố chung nhấn mạnh quyết định trên của Taliban sẽ làm tổn hại đến triển vọng được cộng đồng quốc tế ủng hộ và thừa nhận tính hợp pháp của phong trào Hồi giáo này. Hành động của Taliban mâu thuẫn với những cam kết công khai mà lực lượng này đưa ra nó đối với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế. Các quan chức trên cho rằng mọi công dân Afghanistan, dù nam hay nữ, đều có quyền bình đẳng học tập ở tất cả các cấp học và trên mọi tỉnh thành trong cả nước. Do vậy, họ kêu gọi Taliban "nhanh chóng đảo ngược quyết định vừa qua vốn sẽ kéo theo những hậu quả vượt xa cả những tác động tiêu cực tới trẻ em gái Afghanistan".
Tuyên bố của đại diện các nước cũng nhấn mạnh nếu không thay đổi quyết định trên, điều này sẽ gây tổn hại sâu sắc đến những triển vọng của Afghanistan trong việc gắn kết xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng bày tỏ thất vọng vì quyết định trên của Taliban, cho rằng hành động này vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái đối với giáo dục. Ông kêu gọi chính quyền Taliban mở cửa trường học ngay cho tất cả học sinh.
Từ khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8/2021, Taliban áp đặt một loạt các hạn chế với phụ nữ như cấm họ tham gia công việc của chính phủ, kiểm soát trang phục hay việc đi lại một mình...