Theo hãng tin Reuters (Anh), chàng trai 21 tuổi sống ở quận Jaunpur, bang Uttar Pradesh đông dân nhất của Ấn Độ, đang tìm đến thủ đô tài chính của đất nước. Giống như hàng trăm triệu người đi cư khác, Kumar nói rằng anh buộc phải chuyển đi.
“Mumbai là thành phố của những người giàu có. Bất kỳ ai đến Mumbai, vận may của họ sẽ thay đổi. Tôi hy vọng may mắn cũng mỉm cười với mình ở đó, và tôi cũng sẽ đổi đời”, anh Kumar nói.
Không chỉ Kumar, hàng triệu người Ấn Độ sống ở các vùng quê nghèo khó đã chuyển đến các thành phố lớn, phát triển của Ấn Độ để làm việc và sinh sống. Tình trạng di cư trong nước chắc chắn sẽ tăng lên khi Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đặt ra những thách thức lớn với chính phủ. Giới chức sẽ phải tìm cách để quản lý áp lực phát triển hạ tầng đô thị cũng như tạo ra 8 - 10 triệu việc làm mỗi năm để thu hút lực lượng thanh niên thất nghiệp.
Theo số liệu năm 2011 - số liệu mới nhất hiện có - trong tổng số 1,21 tỷ dân Ấn Độ khi đó, có tới 456 triệu người di cư trong nước.
Liên hợp quốc dự đoán dân số của Ấn Độ đã vượt mốc 1,42 tỷ vào tuần trước, vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong khi đó, gần 2/3 dân số Ấn Độ dưới 35 tuổi và nhiều người ở nông thôn đổ xô đến Mumbai để làm bất cứ công việc gì có thể - như công nhân, lái xe, phụ việc trong các cửa hàng hay giúp việc gia đình. Trong đó, rất nhiều người đến từ Uttar Pradesh và bang Bihar lân cận, nơi dân số đang tăng nhanh hơn những nơi khác trong nước.
Ông Mukta Naik, chuyên gia về di cư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của New Delhi, cho biết: “Những người di cư luôn để ý đến những công việc bấp bênh. Họ không tìm được công việc tốt và có rất ít năng lực để thương lượng tiền lương. Khồng có đủ việc làm, họ cũng không đủ tiền lương để đầu tư vào nhà ở, hay đưa con cái đến các thành phố lớn để học tập”.
Bên cạnh những công việc được trả lương thấp và khó kiếm việc làm, những người đến thành phố lớn còn phải đối mặt với chi phí sinh hoạt đắt đỏ và phải vật lộn để tìm nơi ở. Họ không thể tiếp cận phúc lợi xã hội và nhiều người trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội tràn lan trong các khu ổ chuột đô thị.
Rời ngôi làng ở bang Assam phía Đông Bắc Ấn Độ khi mới 17 tuổi, Abdul Nur, nhân viên bảo vệ 37 tuổi ở Bengaluru, cho biết anh đã sinh sống và làm việc ở các thành phố Chennai, Hyderabad và Mumbai.
“Khi còn ở Mumbai, có quá nhiều áp lực. Trời nóng nực và có nhiều tội phạm”, anh Nur nói.
Nur chia sẻ anh đã sống ở thủ đô tài chính của Ấn Độ một thập kỷ trước. Anh cho rằng sinh sống ở đây rất khó khăn chỉ với 14.000 rupee (khoảng 4 triệu đồng) mà anh kiếm được mỗi tháng, do tiền thuê nhà và chi phí thực phẩm cao.
Theo anh Nur, ngay cả ở Bengaluru, thủ đô công nghệ của Ấn Độ, nơi đang thu hút số lượng lớn người di cư, chi phí sinh hoạt cũng rất đắt đỏ.
“Tôi đã đưa vợ và con tôi về quê. Với đồng lương ít ỏi của tôi, rất khó để nuôi con ở đây. Bây giờ tôi sẽ sống một mình”, anh nói.
Cũng giống như anh Nur, nhiều người di cư khác cũng chán nản đến mức quyết định trở về quê hương.
ANh Bhikhari Manjhi, 30 tuổi, rời nơi “chôn rau cắt rốn” ở bang Odisha và chuyển đến Bengaluru. Tại đây, anh được mời làm công nhân xây dựng và cam kết trả 10.000 rupee (khoảng 2,9 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, trong hai tháng, chủ thầu chỉ trả cho Manjhi 100 rupee/tuần, hứa sẽ trả phần còn lại sau, nhưng không thực hiện.
“Khi chúng tôi đòi tiền, chúng tôi đã bị đánh đập,” anh Manjhi nói.
Đầu tháng này, anh Manjhi đã đi bộ khoảng 1.000 km suốt hơn 7 ngày cùng với hai đồng hương để trở về quê.
“Chúng tôi sống trong khu vực rừng núi, chỉ có thể kiếm được khoảng 15.000 rupee (khoảng 4,3 triệu đồng) một năm. Còn ở những thành phố như Bengaluru, có thể kiếm được nhiều hơn khoản tiền này trong một tháng. Nhưng Manjhi nói anh không muốn quay lại đó.
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết lao động nhập cư đóng góp 10% GDP của Ấn Độ. Lực lượng này cũng đóng vai trò là “xương sống” trong một số lĩnh vực. Số tiền họ gửi về quê cũng đã giúp giảm nghèo ở một số khu vực và cải thiện mức sống cho gia đình họ.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Ấn Độ cần hỗ trợ tạo ra nhiều việc làm hơn và đảm bảo việc làm được phân bổ trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn kém phát triển và chủ yếu là phía Bắc và phía Đông.
Ông Mahesh Vyas, Giám đốc Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ cho biết: “Nông thôn Ấn Độ chỉ cung cấp việc làm dưới hình thức thất nghiệp trá hình”.
Ông giải thích điều này có nghĩa là ngay cả khi ngành nông nghiệp tạo ra nhiều việc làm hơn, điều đó cũng không giúp tăng sản lượng. Và ngoài nông nghiệp, khoản đầu tư duy nhất ở vùng nội địa là các dự án cơ sở hạ tầng tạm thời, tạo ra các công việc ngắn hạn. Do đó, ông nhận định dù có một số hạn chế, các thành phố lớn vẫn thu hút người di cư vì chúng vẫn là nơi cung cấp việc làm tốt nhất.
Và Kumar cũng có quan điểm tương tự. Để kiểu tóc mới và đeo một chiếc kính râm thời thượng, anh đã quay video và chụp ảnh trong chuyến tham quan các điểm du lịch của Mumbai, đăng lên mạng xã hội.
“Tôi thực sự thích nơi đây. Thành phố này tốt hơn nhiều so với làng của tôi”, anh nói.