Lần đầu tiên vaccine COVAX gặp tình huống cung lớn hơn cầu

Sáng kiến toàn cầu phân phối vaccine ngừa COVID-19 đang gặp lúng túng khi không biết phải làm thế nào với trên 300 triệu liều vaccine không có người nhận.

Chú thích ảnh
Nhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia. Ảnh: THX/TTXVN

Năm ngoái, các quốc gia giàu có ưu tiên sử dụng phần lớn các liều vaccine để tiêm cho người dân nước mình. Điều này dẫn đến tình trạng chưa đầy 1/3 dân số tại các nước thu nhập thấp mới được tiêm vaccine tính đến thời điểm hiện tại, trong khi con số đó ở các nước phát triển là trên 70%.

Tuy nhiên, khi nguồn cung và số lượng vaccine viện trợ tăng lên, các quốc gia nghèo đang phải đối mặt với loạt rào cản như thiếu kỹ thuật bảo quản vaccine, không đủ ngân sách để hỗ trợ mạng lưới phân phối trong nước cũng như tư tưởng bài trừ vaccine.

Theo hãng tin Reuters, trong tháng 1, chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai có tổng cộng 436 triệu liều vaccine dự kiến chuyển tới các nước. Trên thực tế, các quốc gia thu nhập thấp mới chỉ yêu cầu nhận 100 triệu liều vaccine đến hết tháng 5/2022. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên, COVAX chứng kiến tình cảnh cung vượt cầu.

Một người phát ngôn của GAVI thừa nhận COVAX hiện trong tình trạng đã đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu, song việc triển khai vaccine vẫn luôn là một vấn đề lớn cần giải quyết ở một số quốc gia kém phát triển.

Các lô vaccine chưa được COVAX chuyển giao đợt này có thể được cấp phát lại sau. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa đang khiến cho COVAX gặp khó khi những loại vaccine như Pfizer cần phải được bảo quản trong nhiệt độ siêu lạnh hoặc vaccine Astrazeneca có hạn sử dụng ngắn.

Trong khi các quốc gia phát triển đang mở cửa lại nền kinh tế, WHO và nhiều chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo việc chậm triển khai vaccine ở các vùng nghèo hơn sẽ tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 đột biến và tạo ra các biến thể mới.

Nguyên nhân một phần dẫn đến nhu cầu về vaccine thấp trong đợt phân bổ tháng 1 được giải thích là do các quốc gia không muốn nhận về quá nhiều liều vaccine mà họ không thể sử dụng.

Một hội nghị thượng đỉnh để giải quyết các thách thức về phân phối vaccine đang diễn ra tại Abuji (Nigeria) do Liên minh phân phối vaccine ở châu Phi tổ chức với sự tham gia của các đại diện WHO và Gavi.

Các nước châu Phi từng được hy vọng có thể triển khai tiêm hàng tỷ liều vaccine COVID-19 dựa trên kinh nghiệm của họ trong việc đối phó với các dịch bệnh chết người từ Ebola đến sốt rét.

Nhưng hai năm sau cuộc khủng hoảng, một cuộc khảo sát của Reuters do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện vào tháng 1/2022 đã cho thấy rõ một số thách thức. Trong số 55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi có tới 44 quốc gia thiếu các thiết bị cần thiết để phân phối vaccine, trong đó 24 quốc gia cho biết họ thiếu tủ lạnh, 18 quốc gia thiếu tủ đông, 16 quốc gia không có phòng lạnh.

Người phát ngôn của UNICEF cho biết trên 800 tủ đông dây chuyền và 52.000 tủ lạnh đã được chuyển đến gần 70 quốc gia.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Vaccine COVID-19 không có khả năng gây ra chứng viêm đa hệ hiếm gặp ở trẻ em
Vaccine COVID-19 không có khả năng gây ra chứng viêm đa hệ hiếm gặp ở trẻ em

Theo phân tích dữ liệu của Mỹ được công bố hôm 22/2, vaccine COVID-19 không có khả năng gây ra tình trạng viêm hiếm gặp liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN