Lạm phát tăng cao, người cao tuổi Mỹ quay trở lại tìm việc

Ngày càng có nhiều người nghỉ hưu quay trở lại làm việc trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo trang mạng Yahoo Money, chỉ trong tháng Hai, 3% người về hưu đã quyết định trở lại làm việc. Đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất trong thời kỳ đại dịch và là sự tiếp nối xu hướng xuất hiện vào mùa xuân năm ngoái.

Ông Nick Bunker, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Indeed, lý giải nhu cầu cao về người lao động và tình trạng tiêm chủng COVID-19 đã thúc đẩy làn sóng quay trở lại.

Bên cạnh đó, nỗi lo về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và thị trường chứng khoán đầy biến động, đã khiến nhiều người không an tâm với khoản tiết kiệm ít ỏi.

Trong hai năm qua, hàng triệu người cao tuổi đã quyết định rời khỏi thị trường lao động, trong khi những người khác bị cắt giảm biên chế. Theo nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí tại Cao đẳng Boston, phần lớn những người này chưa đăng ký nhận quyền lợi an sinh xã hội.

Nhiều người nghỉ hưu không còn lựa chọn nào khác là quay trở lại thị trường việc làm, đặc biệt là đối với những người không có nhiều công cụ đảm bảo thu nhập cuộc sống. Ví dụ, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hưu trí The New School, những người lao động lớn tuổi không có bằng cấp đại học chỉ có khoản tiết kiệm về hưu trung bình rơi vào khoảng 9.000 USD, kém xa con số 167.000 USD đối với những người cùng tuổi có bằng cấp.

“Nhu cầu tài chính là động lực chính khiến người đã về hưu quay trở lại làm việc. Những người đã về hưu và có khoản tiết kiệm thấp là những người tìm việc nhiều nhất”, cố vấn chính sách chiến lược cấp cao tại AARP Jennifer Schramm cho hay.

Tháng 4/2020 – thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đạt đỉnh trong mùa dịch, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi 55-64 không có bằng cấp bị sa thải nhiều hơn 67% tỷ lệ của người có bằng cấp.

“Họ bị cho về hưu sớm, chứ họ không nghỉ hưu sớm”, Teresa Ghilarducci, Giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu New School, cho hay.

Một lý do khác khiến những người cao tuổi quay trở lại làm việc là do tình trạng lạm phát đang tăng cao, đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu từ sữa cho đến xăng dầu. Theo báo cáo Cục Thống kê Lao động hàng tháng, giá tiêu dùng đã tăng 7,9% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lạm phát chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/1982

Bên cạnh đó, tình hình chiến sự tại Ukraine lại đẩy giá xăng dầu tăng cao, càng khiến cho tình trạng lạm phát trầm trọng thêm.

Thị trường chứng khoán và bất động sản đầy biến động gần đây cũng khiến cho nhiều người cao tuổi đã về hưu mong muốn trở lại làm việc để có thêm khoản tiết kiệm.

Tuy nhiên, mong muốn là vậy nhưng thực tế người cao tuổi khá khó khăn trong việc quay trở lại thị trường lao động. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao độn cho thấy một người trên 50 tuổi khó kiếm được một vị trí mới hơn so với người trẻ.

Sau khi nghỉ việc từ tháng 4/2020, ông Gary Socha (68 tuổi) mất đến 1 năm 4 tháng mới tìm được một công việc bán thời gian chuyên ngành quảng cáo. Trước đó, ông làm giám đốc marketing và kinh doanh tại tòa soạn Loudoun Times Mirror nhưng do khó khăn đại dịch, ông bị buộc nghỉ hưu sớm.

“Tôi đã cống hiến 20 năm cho ngành xuất bản. Tôi luôn thích được bận rộn và kiếm được tiền ở tuổi này cũng rất tốt. Tôi không chắc là mình sẽ nghỉ hưu, ít nhất là ngay lúc này”, ông Gary chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Canada thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát
Canada thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát

Ngày 13/4, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm nửa điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, nhằm đối phó với tình trạng lạm phát phi mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN