Theo cơ quan trên, lạm phát giá thực phẩm trong tháng 1 là 42,94%, trong đó lạm phát giá thực phẩm tươi sống lên tới 61,63%.
Trước đó, giới thương mại và công nghiệp ngày 31/1 dự báo Pakistan có thể phải đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trong tháng 2 vì các ngân hàng ngừng chi trả và tạo điều kiện thanh toán cho nhiên liệu nhập khẩu do cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.
Quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và đồng rupee giảm giá mạnh đã khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu leo thang.
Năng lượng chiếm phần lớn trong hóa đơn nhập khẩu của Pakistan. Hơn 1/3 nhu cầu điện hằng năm của Pakistan được đáp ứng bằng việc nhập khẩu khí tự nhiên. Giá nhập khẩu mặt hàng này đã tăng chóng mặt từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine.
Cùng ngày 31/1, Pakistan đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để được giải ngân khoản hỗ trợ 7 tỷ USD, qua đó ngăn chặn khủng hoảng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar đã gặp đại diện của IMF tại Pakistan, ông Nathan Porter và thông báo về những cải cách kinh tế và tài chính, cũng như các biện pháp mà Chính phủ Pakistan đã thực hiện trong nhiều lĩnh vực.
Tiền hỗ trợ từ IMF rất quan trọng đối với Pakistan, trong bối cảnh lượng dự trữ ngoại tệ của nước này được cho là chỉ còn đủ để chi trả nhập khẩu hàng hóa trong 3 tuần nữa.
Pakistan đã được nhận 6 tỷ USD cứu trợ tài chính từ IMF trong năm 2019 và thêm 1 tỷ USD trong năm 2022.
Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục đến ngày 9/2 tới để IMF đưa ra bản đánh giá thứ 9 về quỹ hỗ trợ dài hạn (EFF) - cơ chế nhằm giúp các nước đang đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán.