Do giá thực phẩm, tiền thuê nhà, xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác tăng cao, người tiêu dùng Mỹ có tâm lý dè dặt chi tiêu hơn, không muốn mua sắm trừ khi có đợt giảm giá lớn. Một số người chuyển sang tiết kiệm nhiều hơn, chuyển sang các dịch vụ “mua ngay, trả sau” cho phép thanh toán theo đợt hoặc sử dụng hết thẻ tín dụng của họ vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang đang tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ.
Bà Sheila Diggs, 55 tuổi, đã đến siêu thị Walmart ở Mount Airy, Maryland vào sáng 25/11 để tìm mua máy pha cà phê. Để tiết kiệm tiền trong năm nay, bà cho biết gia đình bà chỉ chọn một người đứng ra mua sắm. “Mọi thứ đều tăng trừ tiền lương”, bà Diggs, làm quản lý hồ sơ y tế tại một bệnh viện địa phương, phàn nàn.
Xu hướng năm nay trái ngược với một năm trước khi người tiêu dùng mua sắm sớm vì sợ không mua được thứ họ cần trong bối cảnh mạng lưới cung ứng bị tắc nghẽn. Khi đó, các cửa hàng không phải giảm giá nhiều vì chật vật nhập hàng.
Ông Rob Garf, Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc bán lẻ tại Salesforce (công ty chuyên theo dõi doanh số bán hàng trực tuyến), cho biết mua sắm sớm hóa ra chỉ là một xu hướng nhất thời. Năm nay, mọi người đang săn đón những món hời tốt nhất và các nhà bán lẻ đã đáp lại trong tuần này bằng nhiều ưu đãi trực tuyến hấp dẫn hơn sau khi chỉ đưa ra các đợt giảm giá mờ nhạt vào đầu mùa.
Tỷ lệ giảm giá trung bình ở Mỹ trên tất cả các danh mục hàng trực tuyến là 31% vào Lễ Tạ ơn, tăng so với mức 27% của năm trước, theo dữ liệu của Salesforce. Giảm giá mạnh nhất là đồ gia dụng, quần áo thông thường, đồ trang điểm và túi xách xa xỉ.
Trung tâm mua sắm Macy's Herald ở Manhattan, nơi diễn ra các chương trình giảm giá 60% cho trang sức thời trang và 50% cho giày, đã nhộn nhịp người mua sắm từ sáng sớm “Thứ Sáu Đen”.
Giám đốc điều hành của Macy’s, Jeff Gennette, cho biết lưu lượng người mua sắm "lớn hơn đáng kể" vào Thứ Sáu Đen so với hai năm trước vì người mua hàng cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong đám đông.
Ông Gennette nói rằng những mặt hàng bán chạy nhất từ chương trình bán hàng trực tuyến của Macy’s, bắt đầu vào cuối tuần trước, bao gồm giảm giá 50% cho các bộ sản phẩm làm đẹp.
Sophia Rose, 40 tuổi, một chuyên gia về hô hấp đến chơi Manhattan từ Albany, New York, đang hồ hởi vào cửa hàng Macy's với những kế hoạch chi tiêu lớn. Cô đã để riêng chi phí cho thực phẩm và khí đốt để đối phó với lạm phát nhưng vẫn dành ra 2.000 USD cho quà tặng ngày lễ và dự định chi tổng cộng 6.000 USD. “Tôi sẽ đi tất cả các tầng. Đó là kế hoạch”, Rose nói.
Theo bà Jill Renslow, Phó chủ tịch điều hành phát triển kinh doanh của trung tâm mua sắm Macy's, lưu lượng khách hàng cũng cao hơn so với năm ngoái tại Mall of America ở Bloomington, bang Minnesota. Bà cho biết 10.000 người đã có mặt tại trung tâm mua sắm rộng lớn này ngay trong giờ đầu tiên sau khi mở cửa lúc 7 giờ sáng, mặc dù lạm phát khiến nhiều người phải cân nhắc xem nên mua gì trước khi tới đây.
Delmarie Quinones, 30 tuổi, đến cửa hàng Best Buy ở Manhattan để mua một chiếc máy tính xách tay và máy in mà cô đặt mua trực tuyến với giá 179 USD, giảm hơn một nửa so với giá gốc 379 USD. Quinones cho biết giá thực phẩm và các chi phí khác cao hơn đang khiến cô phải giảm chi tiêu so với một năm trước.
Người mẹ có 5 đứa con, từ 1 đến 13 tuổi, cho biết: “Tôi không thể mua được những thứ mà tôi từng mua”.
Các nhà bán lẻ lớn bao gồm Walmart và Target đã đẩy mạnh giảm giá trên trang web của họ.
Dữ liệu của Salesforce cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến tăng vọt vào buổi tối trong kỳ nghỉ lễ năm nay, cho thấy mọi người chuyển từ tiệc tùng sang mua sắm qua điện thoại.
Tuy nhiên, năm nay khi nhiều người mua sắm trực tiếp ghé thăm các cửa hàng hơn, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến đã chậm lại.
Người mua sắm đã chi 5,3 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến vào Ngày lễ tạ ơn, tăng 2,9% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái, theo Adobe Analytics. Adobe hy vọng rằng hoạt động mua hàng trực tuyến vào Thứ Sáu Đen sẽ đạt 9 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với một năm trước.
Ngày “Thứ Sáu Đen” cũng đã chứng kiến một số tình trạng bất ổn lao động, vốn lan rộng khắp ngành bán lẻ trong năm qua. Một liên minh gồm các tổ chức công đoàn và vận động chính sách đang điều phối các cuộc đình công tại các cơ sở của Amazon ở hơn 30 quốc gia trong một chiến dịch có tên “Buộc Amazon phải trả tiền”. Hàng trăm công nhân tại một cơ sở của Amazone gần thành phố Leipzig của Đức đã tổ chức một cuộc biểu tình vào “Thứ Sáu Đen”, kêu gọi điều kiện làm việc tốt hơn và trả lương cao hơn.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia - tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất Mỹ - dự kiến mức tăng trưởng doanh số bán hàng trong dịp lễ sẽ chậm lại trong khoảng từ 6% đến 8%, từ mức tăng trưởng chóng mặt 13,5% của một năm trước. Tuy nhiên, những số liệu này, bao gồm chi tiêu trực tuyến, không được điều chỉnh theo lạm phát, vì vậy chi tiêu thực thậm chí có thể còn giảm so với năm ngoái.
Các nhà phân tích coi kỳ nghỉ “Thứ Sáu Đen” kéo dài 5 ngày, bao gồm cả “Thứ Hai Ảo” (Cyber Monday), là thước đo quan trọng về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người mua sắm. Khoảng thời gian hai tháng giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ Mỹ.