Theo các nguồn trên, tình trạng mất điện xảy ra ở phần lớn thủ đô Caracas và những khu vực quan trọng tại ít nhất 20 trong số 23 bang của Venezuela.
Trước đó khoảng một tháng, mất điện trên diện rộng đã kéo dài trong 5 ngày tại quốc gia Nam Mỹ này. Mất điện đã gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sạch, giao thông và liên lạc.
Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc hệ thống điều khiển tự động ở nhà máy thủy điện Guri, vốn cung cấp 80% nguồn điện cho đất nước, đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, đánh sập hệ thống cung cấp điện trên toàn quốc. Chính phủ đã tập trung nỗ lực để khôi phục hệ thống cung cấp điện nhưng khi công việc đang tiến triển thuận lợi thì lại phải hứng chịu thêm một loạt vụ tấn công khác khiến việc khôi phục hệ thống trở nên khó khăn.
Venezuela cáo buộc Chính phủ Mỹ và phe đối lập cực đoan trong nước đứng sau các vụ việc này. Ngày 1/4 vừa qua, Tổng thống Maduro đã cách chức Bộ trưởng Điện lực Luis Motta sau khi xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng.
Trong khi đó, sau cuộc họp ngày 9/4 với người đứng đầu Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) đang ở thăm nước này, Tổng thống Maduro tuyên bố Venezuela sẵn sàng tiếp nhận hàng cứu trợ quốc tế.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Maduro nêu rõ Caracas sẵn sàng thiết lập các cơ chế hợp tác với sự ủng hộ và hỗ trợ của quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng việc hợp tác với ICRC cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng trật tự luật pháp của Venezuela.
Tình hình chính trị - xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido, đã gửi "tối hậu thư" tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn. Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.