Từ những ký ức nguyên vẹn...
40 năm trước, Phó Chủ nhiệm Nhà máy liên hợp Cà phê và Thực phẩm VEB của CHDC Đức Kaulfuß được cử đứng đầu nhóm chuyên gia sang Việt Nam xúc tiến dự án trồng cây cà phê. Ông tâm sự: “Khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam gặp khó khăn lớn về kinh tế và khẩn trương tìm kiếm nguồn tiền từ nước ngoài. Lúc đó, tình huống tương tự cũng xảy ra ở CHDC Đức khi cà phê phải được trả bằng USD, thứ mà CHDC Đức không có". Năm 1979, Chính phủ CHDC Đức và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý tiến hành khảo sát việc trồng cà phê và sau đó ngày 20/10/1980 tại Hà Nội, hai bên ký thỏa thuận hợp tác sản xuất cà phê nguyên liệu và chuyển nguyên liệu sang CHDC Đức tinh chế. Dự án được phê duyệt dành cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá tương đương 32 triệu ruble chuyển đổi nhằm xây dựng các nông trường trồng 10.000 ha cà phê ở Đắk Lắk.
Thời điểm đó, CHDC Đức còn nhiều khó khăn và khan hiếm cà phê nên rất muốn đầu tư để có nguồn cà phê tiêu dùng cho người dân. Sau khi ký thỏa thuận, các chuyên gia hai bên, trong đó có Viện Nông nghiệp nhiệt đới ở thành phố Leipzig, đã dày công nghiên cứu cách thức và nơi trồng phù hợp với cây cà phê và cuối cùng quyết định chọn Đắk Lắk để triển khai dự án.
Ông Kaulfuß cùng khoảng 10 chuyên gia về nông nghiệp nhiệt đới của Đức đã mang theo 6.000 cây cà phê giống từ Leipzig sang Việt Nam và từ Hà Nội phải mất 3 ngày để tới Buôn Ma Thuột. Trong tâm trí cụ ông hơn 90 tuổi vẫn chưa phai mờ khoảng thời gian cùng đồng nghiệp và người dân Tây Nguyên "khai hoang" những vùng đất rừng núi hoang sơ để gây dựng nên những nông trường cà phê đầu tiên tại đây. Ông nhớ rõ rằng khi bắt tay vào dự án phải đối mặt với vô vàn thách thức, rất khó chọn địa điểm cụ thể để trồng cà phê do nơi đâu cũng bị chiến tranh tàn phá và nguy cơ bom mìn còn sót lại trong đất luôn hiện hữu. Tuy nhiên, cuối cùng dự án cũng đã được thực hiện, không chỉ nhờ đội ngũ chuyên gia Đức mà chính là nhờ sự sẵn sàng và tận tâm của các đồng nghiệp Việt Nam.
Ông Kaulfuß chia sẻ: "Đức chỉ có thể hỗ trợ về kinh nghiệm và máy móc, song việc thực thi lại do chính những người Việt cực kỳ chăm chỉ làm nên". Khi bắt tay vào triển khai, khu vực trồng cà phê hầu như vắng bóng người, phải đi kêu gọi mọi người đến. May mắn là thời điểm đó tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố lớn khá cao và nhiều người đã tự nguyện tới đây để trồng cà phê. Để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người trồng cà phê, Đức cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường sá, trường học, trạm y tế, nhà máy điện, nước... Hồi tưởng những ngày đó, ông chỉ biết diễn tả là "khoảng thời gian tuyệt vời, khi mà người dân không có bất cứ thứ gì, không có gì để ăn, để mặc, nhưng rất thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Đó là lý do tôi có mối liên hệ sâu sắc với Việt Nam cho đến ngày nay".
Đến năm 1991, thời điểm phải trả số cà phê nguyên liệu cho CHDC Đức theo hợp đồng cũng là lúc 10.000 ha cà phê đã cho thu hoạch, song lúc đó, CHDC Đức đã sáp nhập vào CHLB Đức và nước Đức không muốn nhận cà phê nữa. Ông Kaulfuß nhớ lại, để tìm "đầu ra" cho những sản phẩm cà phê nguyên liệu Việt Nam thời điểm đầu, ông đã tới nhiều thành phố, liên hệ với nhiều nhà nhập khẩu để quảng bá cho cà phê Việt Nam với mong muốn xuất khẩu được thứ cà phê nguyên liệu Robusta mà ông đã góp công vun trồng. Ông cũng cho biết phải mất một thời gian, cà phê Việt Nam mới được thị trường thế giới chấp nhận và thành công như hiện nay, là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới, điều không thể tưởng tượng khi dự án cà phê ở Việt Nam bắt đầu được khởi sự vào những năm 1980.
Tới tấm huân chương cao quý
Một buổi sáng nắng trải khắp Berlin, ông Siegfried Kaulfuß cùng vợ tới sớm hơn giờ hẹn. Dạo bước trước khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay, chắc hẳn rất nhiều ký ức từ 40 năm trước lại ùa về. Khi cánh cửa Đại sứ quán Việt Nam mở ra, bước vào bên trong, ông Kaulfuß (hiện là thành viên Hội đồng tư vấn của Hội Đức - Việt) vẫn chưa biết rõ tại sao mình lại được mời tới đây, bởi Chủ tịch Hội Đức - Việt Siegfried Sommer, người được giao nhiệm vụ mời vợ chồng ông Kaulfuß tới đã giữ bí mật để tạo cho ông cụ kỹ sư nông nghiệp Đức sự bất ngờ.
Khi được Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đón tiếp và tuyên bố lý do trao tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam, ông Kaulfuß không khỏi bất ngờ và xúc động về phần thưởng hết sức ý nghĩa này. "Tiếc là thời gian trôi đi nhanh quá. Đến nay, nhiều người bạn Đức cũng như đồng nghiệp người Việt Nam của tôi không còn nữa. Do vậy, sự ghi nhận của các bạn đối với đóng góp nhỏ bé của tôi khiến tôi thực sự cảm kích", ông Kaulfuß nói và quay sang vợ như để chia sẻ sự vui mừng và niềm tự hào.
Buổi lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Kaulfuß được tổ chức ấm cúng và trọng thể, với sự tham dự của cả Chủ tịch Hội Đức - Việt Siegfried Sommer cũng như Tham tán Công sứ Đặng Chung Thủy. Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nêu rõ, tấm huân chương cao quý được trao cho ông Kaulfuß vì rất nhiều đóng góp tích cực trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Đức và Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ông Kaulfuß trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Đức. Đại sứ cũng cho biết không ít người Việt Nam được biết ông Kaulfuß là người rất tâm huyết với ngành cà phê Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp cà phê ngày càng lớn mạnh của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu lượng cà phê trị giá 1,5 tỷ USD và là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, trong đó xuất khẩu sang Đức chiếm trên 400 triệu USD. Ngành cà phê không những tạo lợi ích kinh tế, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn ở vùng Tây Nguyên. Đại sứ nhấn mạnh, việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định trao tặng Huân chương Hữu nghị là thể hiện sự trân trọng, sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cho những đóng góp mà ông Kaulfuß đã cống hiến cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Đức nói chung cũng như sự phát triển ngành cà phê của Việt Nam nói riêng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí Đức, ông Kaulfuß thú nhận ban đầu không hề muốn tới đất nước xa xôi châu Á để trồng cà phê, nhưng khi đã đặt chân tới Việt Nam, ông mới thấy yêu và cảm mến con người nơi đây. Ông cũng không thể nhớ nổi đã tới đất nước hình chữ S bao nhiêu lần trong suốt 40 năm qua. Giờ đây, khi được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam, ông Kaulfuß thực sự vui mừng vì những đóng góp nhỏ bé của bản thân đã góp phần vào sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam cũng như những thành tựu nói chung của đất nước châu Á mà ông lần đầu đặt chân tới 40 năm trước. Những con người đáng kính như ông đã xây dựng những câu cầu vững chắc cho tình hữu nghị truyền thống, cho mối quan hệ đối tác chiến lược ngày nay của nhân dân Đức và Việt Nam.