Kỳ lạ đại dịch ung thư lây truyền qua vết cắn và muỗi đốt

Mặc dù chưa có căn bệnh ung thư nào có thể lây từ người qua người, nhưng hiện tượng này đã từng xảy ra ở người và phổ biến ở một số ít loài động vật. 

Quỷ Tasmania (Tasmanian Devil) là một trong những loài thú có túi ăn thịt lớn nhất thế giới, hầu hết sống tập trung ở đảo Tasmania, phía nam Australia. Đầu những năm 1990, một loại bệnh khá kỳ lạ xuất hiện ở quỷ Tasmiania, khiến mặt và mồm chúng có các khối u.

Căn bệnh này được đặt lên là bệnh u mặt ở quỷ Tasmania, lây lan từ con này sang con khác. Ngày nay, trên 95% quỷ Tasmania cuối cũng sẽ mắc căn bệnh này ở một thời điểm nào đó trong đời.

Chú thích ảnh
Một con quỷ Tasmania bị ung thư mặt. Ảnh: National Geographic

Điều khiến căn bệnh này đặc biệt là nó không phải do một số mầm bệnh thông thường gây ra như vi khuẩn hay virus rồi kích thích hình thành ung thư ở vật chủ, mà bản thân tế bào ung thư được truyền và phát triển bên trong cũng như bên ngoài vật chủ mới. Năm 2014, lại có thêm một dòng đặc biệt của loại ung thư này phát triển và vẫn đang lây lan ở loài này tới ngày nay.

Về cơ chế lây truyền bệnh, quỷ Tasmania truyền bệnh cho nhau khi đánh nhau hoặc giao phối. Tế bào ung thư truyền qua vết cắn khi hai con vật thực hiện hai hoạt động trên.

Sau khi đã vào cơ thể của con quỷ Tasmania khác, tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi và cuối cùng giết chết vật chủ trong vòng 6 tháng. Quỷ Tasmania chết vì nhiễm ung thư và suy các nội tạng, hoặc chết vì không thể ăn do kích thước khối u lớn dần trên mồm và mặt. Đôi khi khối u còn đẩy cả răng quỷ Tasmania ra ngoài hoặc khiến chúng vỡ xương hàm.

Cũng có một số con quỷ Tasmania chống đỡ tốt hơn với bệnh ung thư khi có thể sống tới 2 năm sau khi nhiễm bệnh. Do chống chọi tốt hơn nên khi những con quỷ Tasmania này sinh con, con chúng cũng có khả năng chống đỡ tốt hơn với bệnh ung thư. Nhờ khả năng tiến hóa nhanh chóng này mà số cá thể quỷ Tasmania không suy giảm nhanh như trước mà đã có xu hướng ổn định trong vài năm trở lại đây. Không những thế, có vài chục con còn khỏi bệnh. 

Vậy ung thư đã từng lây từ người này qua người khác như ở quỷ Tasmania chưa? Trong thực tế, điều này đã xảy ra nhiều lần.

Một trường hợp như vậy đã xảy ra với một bác sĩ phẫu thuật 53 tuổi trong những năm 1990. Nghiên cứu về trường hợp này cho biết bác sĩ đã phẫu thuật cho một bệnh nhân 32 tuổi để cắt bỏ khối u ở bụng. Khi phẫu thuật, bác sĩ vô ý đứt tay. Vết thương ngay lập tức được sát khuẩn. Tuy nhiên, 5 tháng sau, bác sĩ này đã mọc một khối u trên bàn tay tại đúng chỗ ông đã đứt tay khi phẫu thuật. Khi cắt bỏ và phân tích khối u trên tay bác sĩ, người ta phát hiện ra khối u này hình thành từ các tế bào của bệnh nhân mà bác sĩ đã phẫu thuật. Một phần tế bào của bệnh nhân đã tạm sống trên vật chủ khác.

Trong tình huống tương tự năm 1986, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đã tiêm tế bào ung thư ruột kết vào chuột và vô tình chọc kim tiêm vào tay. Vài tuần sau, một khối u phát triển ở vị trí vết kim tiêm chọc vào tay và được cắt bỏ.

Năm 2007, bốn người nhận tạng từ một phụ nữ lớn tuổi vừa chết vì đột quỵ. Khi gan, phổi, thận của người này được ghép vào 4 người khác, cả bốn người đều mắc ung thư không lâu sau đó. Trong đó, 3 người tử vong. Phân tích về sau cho thấy tế bào ung thư ở người hiến tạng đã lây lan thông qua bộ phận ghép. Người hiến tạng không hay biết mình mắc ung thư vú.

Năm 2014, một người đàn ông Colombia gặp vấn đề sức khỏe và đã tới bệnh viện kiểm tra. Khi tìm hiểu, các bác sĩ phát hiện khối u trong phổi, gan và tuyến thượng thận bệnh nhân. Tiến sĩ Atis Muehlenbachs, bác sĩ phân tích các tế bào ung thư của bệnh nhân này cho biết: “Trông như ung thư, nhưng khối u lại gồm các tế bào không phải của con người”.

Chú thích ảnh
Tế bào ung thư của sán dây đã lây nhiễm vào vật chủ. Ảnh: CDC

Họ đã phân tích ADN và phát hiện ra đó là tế bào của sán dây. Có nghĩa là tế bào ung thư ở sán dây đã truyền sang vật chủ. Không may cho bệnh nhân nói trên, lúc phát hiện ra thì đã quá muộn. Bệnh nhân này còn nhiễm HIV. Ngày nay, bệnh nhân nhiễm virus HIV sống khá bình thường nếu họ duy trì dùng thuốc. Nhưng khi đó, biết mình vừa nhiễm HIV vừa mắc một loại ung thư lạ, bệnh nhân nói trên đã từ bỏ hy vọng sống và từ chối điều trị trong những tuần mà các bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh ung thư.

Như vậy, đã có nhiều trường hợp bệnh ung thư có thể lây từ người này sang người khác và là vấn đề với một số loài động vật như quỷ Tasmania. Vậy tại sao chưa từng có đại dịch ung thư lây lan giữa người với người?

Để ung thư truyền từ người này sang người kia, tế bào ung thư từ người này phải xuất hiện ở người kia. Giả sử điều này có thể xảy ra thì hệ miễn dịch của vật chủ mới cũng sẽ nhận diện ra tế bào ngoại lai và tiêu diệt nó ngay tức khắc.

Ngoại lệ chỉ xảy ra khi hệ miễn dịch của vật chủ mới bị tổn thương nghiêm trọng, như bệnh nhân AIDS hoặc người uống thuốc ức chế miễn dịch. Ví dụ như trường hợp một trong 4 người nhận tạng của người hiến mắc ung thư vú nói trên. Trong khi ba người kia tử vong thì người này vẫn sống sau khi được cắt bỏ bộ phận hiến tặng. Các bác sĩ đã cắt thận có tế bào ung thư và sau đó người này có thể ngừng dùng thuốc ức chế miễn dịch, khiến hệ miễn dịch có thể tiêu diệt tế bào ung thư ngoại lai. Các bác sĩ cũng điều trị ung thư kịp thời cho bệnh nhân này. Nhờ cả hai biện pháp, bệnh nhân đã không còn tế bào ung thư nhiễm từ bộ phận ghép của người hiến tặng.

Cũng có trường hợp đặc biệt khi tế bào ung thư đã biến đổi tới mức hệ miễn dịch khó phát hiện. Đây là trường hợp xảy ra với bác sĩ phẫu thuật có khối u mọc ở chỗ đứt tay. Khi đó, để tìm hiểu xem tại sao cơ thể bác sĩ không loại bỏ khối u ngoại lai theo phản ứng tự nhiên, người ta đã kiểm tra xem bác sĩ này có khiếm khuyết miễn dịch nào không. Kết quả xét nghiệm không phát hiện ra điều gì, có nghĩa là bản thân tế bào ung thư dường như đã che mắt hệ miễn dịch của bác sĩ để phát triển thành công. 

Việc lây lan ung thư từ người này qua người khác thường không phải là mối lo ngại lớn với con người, cho dù đã có trường hợp tế bào ung thư lan sang và phát triển thành công trên vật chủ mới. Nguyên nhân cơ bản là khác với quỷ Tasmania, con người không thường ngẫu nhiên cắn nhau như loài vật trên. Ngoài ra, khả năng tế bào ung thư truyền từ người này sang người kia thành công là cực kỳ thấp và khả năng hệ miễn dịch không tiêu diệt được tế bào ung thư ngoại lai cũng cực kỳ thấp.

Chú thích ảnh
Chuột đồng Syria lây ung thư cho nhau qua muỗi đốt.

Mặc dù khả năng đại dịch ung thư có thể lây lan là hầu như khó xảy ra, nhưng rõ ràng là nó vẫn có phần nhỏ nguy cơ. Có lẽ trường hợp gây lo ngại hơn cả ở quỷ Tasmiania là loài chuột đồng Syria. Ở loài này, một loại tế bào ung thư đã thực sự truyền từ con này sang con khác chủ yếu qua con đường muỗi đốt.

Thùy Dương/Báo Tin tức (todayifoundout)
Cúm Tây Ban Nha năm 1918 – Đại dịch không bao giờ biến mất
Cúm Tây Ban Nha năm 1918 – Đại dịch không bao giờ biến mất

Có từ 50 đến 100 triệu người toàn thế giới chết vì đại dịch cúm xảy ra từ năm 1918 đến năm 1919. Đại dịch cúm Tây Ban Nha này đã khiến nhiều người chết nhất, chỉ sau căn bệnh dịch hạch. Ngoài số người chết khó tin, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm còn cho biết một điều đáng lưu ý là đại dịch này chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN