Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II/2024

Số liệu chính thức công bố ngày 15/7 cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách thúc đẩy nhu cầu trong nước giữa lúc thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài.

Chú thích ảnh
Bên trong nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

So với quý trước, GDP của Trung Quốc đã tăng 0,7% trong tháng 4 - 6/2024, thấp hơn dự báo tăng 1,1% và so với mức tăng 1,5% được điều chỉnh của quý trước. Các nhà phân tích dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc thị trường bất động sản suy giảm, nợ chính quyền địa phương gia tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân yếu.

Các nhà phân tích tại Citi cho biết trước khi dữ liệu trên được công bố rằng nhu cầu trong nước suy yếu có thể tiếp tục gây áp lực lên lạm phát và bắt đầu làm suy giảm hoạt động sản xuất. Tất cả sự chú ý có thể đổ dồn vào hội nghị toàn thể lần thứ ba và cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc trong tháng 7 này.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng và có thể yêu cầu nhiều biện pháp kích thích hơn.

Để đối phó với nhu cầu trong nước yếu kém và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và đổ tiền vào sản xuất công nghệ cao.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 không đồng đều, với sản lượng công nghiệp vượt tiêu dùng trong nước, làm dấy lên nguy cơ giảm phát trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm và nợ chính quyền địa phương gia tăng.

Trong khi đó, giá tiêu dùng tháng 6/2024 đã tăng trong tháng thứ năm liên tiếp, song không đạt kỳ vọng, trong khi giảm phát nhà máy vẫn tiếp diễn, do các biện pháp của chính phủ không có hiệu quả đáng kể để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc mạnh mẽ đã hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng, song căng thẳng thương mại leo thang đang đặt ra thách thức lớn. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 8,6% trong tháng 6/2024 so với năm trước, và nhập khẩu bất ngờ giảm 2,3%, cho thấy các nhà sản xuất đang đặt hàng trước để tránh các mức thuế từ các đối tác thương mại.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), ông Pan Gongsheng đã cam kết giữ vững lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ và cho biết PBoC sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách bao gồm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Minh Hằng (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc qua những con số mới nhất
Kinh tế Trung Quốc qua những con số mới nhất

Số liệu chính thức công bố ngày 17/5 cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trong tháng 4/2024 nhưng hoạt động tiêu dùng chậm lại, chủ yếu do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác tiếp tục đè nặng lên sự phục hồi kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN