Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" , WB dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt tăng trưởng 2,7%, cao hơn mức 2,3% trong năm 2016, và sẽ đạt 2,9% trong năm 2018.
Báo cáo của WB cũng nhận định tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ lần lượt đạt 4,2% và 4,6% trong năm nay và năm 2018, tăng so với mức 3,4% trong năm ngoái.
Những nền kinh tế này được đánh giá sẽ đóng góp 1,6% đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, lần đầu tiên chiếm khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2013. Trong đó, WB tiếp tục giữ mức dự báo đối với nền kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng lần lượt đạt 6,5% và 6,3% trong năm 2017 và 2018.
Nền kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo đạt tăng trưởng 7,6% trong năm nay, cao hơn 0,6% so với năm ngoái, khi những biện pháp cải cách được triển khai giúp tăng năng suất lao động. Báo cáo cũng ghi nhận nền kinh tế Nga đã bước vào giai đoạn phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng, nhờ việc đất nước này đã biết cách điều chỉnh các chính sách quản lý và đứng vững trong giai đoạn giá các nguyên liệu thô và dầu mỏ xuống thấp kỷ lục.
Trong khi đó, WB nhận định trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn khi đều chỉ đạt 1,8% trong năm nay và năm tới, tăng nhẹ so với mức 1,6% của năm ngoái. Theo WB, các nền kinh tế phát triển tiếp tục chịu ảnh hưởng từ lạm phát thấp, cũng như sự bất ổn gia tăng trong các điều chỉnh chính sách của các nước.
Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018, song lưu ý rằng các chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi dưới Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, qua đó tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Theo ước tính của WB, việc triển khai toàn diện các đề xuất cắt giảm thuế của chính quyền mới sẽ giúp tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,2 - 2,5% trong năm nay và 2,5-2,9% trong năm 2018.
Mặc dù nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu, song WB cũng cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt các điều kiện tài chính, qua đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc chủ yếu vào tài chính bên ngoài.
WB cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển đưa ra những chính sách tài chính mang tính hỗ trợ, trong khi các thị trường mới nổi cần phải đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa việc điều chỉnh tài chính, các biện pháp giảm thiểu sự tổn thương và các cải cách thúc đẩy tăng trưởng.