Kinh tế Nga nỗ lực chuyển mình để đối phó các lệnh trừng phạt

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 18/4 cho rằng nền kinh tế Nga sẽ phải chuyển mình để đối phó với tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Nga ở Moskva. Ảnh: Reuters/TTXVN

Bà Nabiullina cho rằng phải tới năm 2024, Nga mới có thể để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 4%. Bà nêu rõ: “Quãng thời gian mà nền kinh tế có thể sống dựa trên nguồn tài chính dự trữ là hữu hạn. Do đó, trong quý II và quý III, chúng ta sẽ phải bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu và tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới".

Theo bà Elvira Nabiullina, các lệnh trừng phạt của phương Tây chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tài chính "và giờ đây bắt đầu ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế". Bà nêu rõ: "Các vẫn đề chính sẽ liên quan đến những hạn chế về nhập khẩu và hậu cần ngoại thương, và trong tương lai là các lệnh hạn chế trong lĩnh vực xuất khẩu, các công ty Nga sẽ cần phải linh hoạt thích ứng hơn nữa".

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga cũng nêu ra một số biện pháp giúp nền kinh tế thích ứng trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, Ngân hàng trung ương Nga đang xem xét điều chỉnh quy định mua bán ngoại hối linh hoạt hơn đối với các nhà xuất khẩu, đồng thời thử nghiệm việc phát hành đồng ruble kỹ thuật số nhằm cho phép người Nga thực hiện chuyển tiền giữa các ví điện tử. Các hoạt động thí điểm liên quan dự án này đã được lên kế hoạch tiến hành trong nửa cuối năm 2022.

Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chủ chốt lên 20%, trong bối cảnh nước này chịu tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ này sau đó giảm xuống còn 17%, khi môi trường kinh tế gặp nhiều thách thức hơn và lạm phát chậm lại.

Theo Thống đốc Elvira Nabiullina, Nga cũng đã lên kế hoạch khởi kiện việc phong tỏa vàng, ngoại hối và tài sản của các công dân nước này, đồng thời cho biết bước đi như vậy cần phải được cân nhắc cẩn thận và phải hợp lý về mặt pháp lý.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây và đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ trong số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Cũng trong ngày 18/4, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết khoảng 200.000 người tại thành phố này đối mặt nguy cơ mất việc làm, do các công ty nước ngoài dừng hoạt động hoặc quyết định rút khỏi thị trường Nga.

Trong thông báo chính thức, chính quyền Moskva cho biết sẵn sàng hỗ trợ những người bị mất việc làm bằng cách đào tạo và cung cấp các công việc xã hội quan trọng tạm thời. Theo Thị trưởng Sergei Sobyanin, nhà chức trách nước này hồi tuần trước đã phê duyệt một gói tài chính trị giá 41 triệu USD để hỗ trợ việc làm tại Moskva, trong đó "đối tượng đầu tiên mà chương trình này hướng tới là nhân viên của các công ty nước ngoài đã tạm ngừng hoạt động hoặc quyết định rời khỏi Nga". Ông Sobyanin cho biết chương trình mới nêu trên dự kiến sẽ hỗ trợ được hơn 58.000 người bị mất việc làm, trong khi củng cố kỹ năng làm việc cho khoảng 12.500 người.

Thanh Phương (TTXVN)
Dấu hiệu chứng minh lệnh trừng phạt tác dụng hạn chế với kinh tế Nga
Dấu hiệu chứng minh lệnh trừng phạt tác dụng hạn chế với kinh tế Nga

Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn có thặng dư tài khoản vãng lai (xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu) cao kỷ lục trong Quý 1/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN