Kinh nghiệm xử lý ô nhiễm không khí của các thành phố trên thế giới

Ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối của rất nhiều thành phố trên thế giới hiện nay. Và cũng có không ít tấm gương tiêu biểu giải quyết được bài toán nan giải này như London, Bắc Kinh và Mexico City.

Chú thích ảnh
Hình ảnh sương mù dày đặc tại London năm 1952. Ảnh: Getty Images

London

Thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ?

Sương mù dày đặc thường bao phủ thủ đô nước Anh trong thế kỷ 19 và 20. Tình trạng này bắt nguồn từ việc người dân đốt than để sưởi ấm cũng như các cơ sở công nghiệp nặng trong thành phố không ngừng thải hóa chất vào không khí.

Đặc biệt là sự kiện "Đám sương khói khổng lồ" bao trùm London vào tháng 12/1952 với khói vàng dày đặc khiến thủ đô nước Anh tê liệt trong 5 ngày và hơn 4.000 người thiệt mạng.

Năm đó thời tiết lạnh giá, đồng nghĩa với việc người dân phải đốt thêm nhiều than đá để sưởi ấm. Than đá chất lượng thấp thường thải ra lượng lớn sulphur dioxide kết hợp với các nhà máy năng lượng than đá đặt tại nội đô London cũng góp phần làm gia tăng sương mù.

Dưới đây là video về "Đám sương khói khổng lồ" tại London năm 1952 (nguồn: Guardian):

Giải pháp của Anh là gì?

Năm 1956, Anh đã thông qua Đạo luật Không khí sạch, quy định về khói công nghiệp và hình thành “khu vực kiểm soát khói” tại các thị trấn và đô thị nơi chỉ có nhiên liệu không sinh ra khói được đốt. Ngoài ra, những hộ gia đình chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch sẽ được nhận trợ cấp.

Đạo luật này mở rộng trong năm 1968 và chất lượng không khí đã cải thiện tại London trong những thập niên tiếp theo.

Tình trạng hiện tại của London

Không khí tại London vẫn ở mức khá ô nhiễm. Thành phố này còn thành lập Khu khí thải Siêu thấp, sẽ phạt các tài xế điều khiển phương tiện gây nhiều ô nhiễm. Tòa thị chính thành phố London vào tháng 10 cho biết không khí ô nhiễm đã giảm 1/3 trong 6 tháng kể từ khi Khu khí thải Siêu thấp đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thủ đô Anh vẫn là một trong những nơi có mức ô nhiễm cao nhất tại châu Âu với lo ngại lớn nhất liên quan đến bụi mịn và nitrogen dioxide.

Chú thích ảnh
Người dân Bắc Kinh phải đeo khẩu trang khi đi trên đường phố. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh

Thời điểm tồi tệ nhất

Công nghiệp hóa với tốc độ nhanh chóng của Trung Quốc đã gây ô nhiễm không khí nặng nề. Các nhà máy năng lượng than đá và tình trạng “bùng nổ” sở hữu xe hơi trong thập niên 80 của thế kỷ trước khiến không khí Bắc Kinh chìm trong hóa chất độc hại.

Giải pháp của Bắc Kinh

Liên hợp quốc trong năm nay công bố báo cho thấy chỉ trong 4 năm, từ 2013 đến 2017, mức bụi mịn tại Bắc Kinh đã giảm 35% trong khi những khu vực bao quanh thành phố này cũng giảm 25%. Đây là thay đổi thu được từ các biện pháp được ban hành và quá trình thanh lọc áp dụng trong 2 thập niên qua, kể từ năm 1998.

Từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập quy chuẩn về khí thải siêu thấp, tạo hệ thống kiểm soát chất lượng không khí tiên tiến và đẩy mạnh giao thông công cộng.

Tình hình hiện nay

Bắc Kinh chưa thể xử lý được hoàn toàn mọi vấn đề. Thành phố vẫn “đau đầu” vì bụi mịn PM2,5 vốn cũng đang gây ảnh hưởng xấu đến Delhi (Ấn Độ).

Hình ảnh người dân phải đeo khẩu trang vì không khí ô nhiễm vẫn không phải là hiếm. Nhiều thành phố tại Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức ô nhiễm vượt quá chỉ số cho phép của quốc tế.

Nhưng dữ liệu Liên hợp quốc cho thấy không khí được cải thiện tại Bắc Kinh phần nào minh chứng cho tầm quan trọng của việc cắt giảm khí thải từ xe cộ, minh bạch dữ liệu, khuyến khích kinh doanh tư nhân và đa dạng hóa nền kinh tế để tránh phụ thuộc vào công nghiệp nặng.

Chú thích ảnh
Thành phố Mexico City trong sương mù năm 2016. Ảnh: Getty Images

Mexico City

Thời điểm tồi tệ nhất

Thủ đô Mexico nổi tiếng trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước bởi không khí ô nhiễm. Đài BBC (Anh) cho biết ở thời điểm đó, chỉ thở bình thường cũng tương đương hút hàng chục điếu thuốc lá/ngày. Năm 1992, Liên hợp quốc thậm chí gọi Mexico City là “thành phố ô nhiễm nhất tinh”.

"Thủ phạm" gây ô nhiễm là hàng trăm hàng nghìn ô tô di chuyển qua Mexico City mỗi ngày “đẩy” lượng lớn khí thải lên trời cao.

Ngoài ra, Mexico City nằm trên một thung lũng cao do vậy không khí ô nhiễm thường “bị giam” lại bởi các dãy núi.

Giải pháp là gì?

Năm 1989, Mexico City là thành phố đầu tiên trên thế giới ra lệnh hạn chế xe ô tô. Thành phố này đã giảm 20% xe lưu thông trên đường phố từ thứ Hai đến thứ Sáu, dựa trên biển số xe. Ngay lập tức mức ô nhiễm được hạ thấp.

Bên cạnh đó còn gói cải cách mang tên ProAire mở rộng giao thông công cộng và ban hành tiêu chuẩn khắt khe hơn về khí thải xe cộ. Những điều này đã hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí tại Mexico City trong nhiều năm sau đó.

Tình trạng hiện tại

Điều tra cho thấy người dân Mexico City đã “lách luật” bằng cách mua ô tô thứ 2 để có thể lái xe tất cả các ngày trong tuần. Dân số tại thành phố này tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều xe ô tô. Nhưng đối với những người không sở hữu xe, họ thường dựa vào xe buýt để di chuyển.

Trong tháng 5 vừa qua, chính quyền thành phố Mexico City tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường khi bụi mịn PM2,5 tăng ở mức gấp 6 lần so với tiêu chuẩn bình quân ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Như vậy, trường hợp của Mexico City cho thấy việc giải quyết ô nhiễm không khí không phải là điều dễ dàng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria đứng đầu thế giới về số người tử vong do ô nhiễm
Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria đứng đầu thế giới về số người tử vong do ô nhiễm

Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số người tử vong liên quan tới ô nhiễm, tiếp đó đến Trung Quốc và Nigeria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN