Kiều hối - "Dòng sông vàng" mới

Trong tiết trời nóng như đổ lửa ở thành phố biên giới Tapachula, thuộc bang Chiapas ở miền nam Mêhicô, người dân xếp hàng dài bên trong một chi nhánh của ngân hàng Bancao Azteca để làm thủ tục rút tiền. Năm 2011, người dân Mêhicô đã nhận được lượng kiều hồi ước khoảng 24 tỷ USD từ bạn bè và người thân đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ. Tiền từ Mỹ gửi về Mêhicô hình thành một hành lang kiều hối nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Ảnh: Internet


Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và tạp chí The Economist, hành lang chuyển tiền Mỹ - Mêhicô đứng ở vị trí đầu trong nhóm 10 hành lang chuyển tiền hàng đầu thế giới, với giá trị kiều hối chiếm 22,2% GDP trong năm 2010.

 

Giá trị kiều hối ở các nước nghèo là con số khổng lồ, nhất là khi so sánh với GDP. Từ năm 1996 tới nay, giá trị kiều hối còn lớn hơn cả tổng số viện trợ nước ngoài cộng lại và trong hầu hết thập kỷ qua, các luồng vốn nợ tư nhân và vốn tài chính chảy vào cũng mạnh mẽ hơn. Theo thống kê của WB, các nước nghèo trên thế giới đã nhận được tổng cộng 372 tỷ USD trên tổng giá trị kiều hối khoảng 501 tỷ USD trên toàn thế giới (kể cả vào các nước giàu). Số tiền này cũng không kém bao nhiêu so với tổng số tiền đầu tư trực tiếp vào các nước nghèo. Trên thực tế, nếu tính cả các phương thức chuyển tiền khác ngoài con đường chuyển qua ngân hàng, như chuyển qua bưu điện, tổng số tiền thực tế có thể cao hơn 50%.

 

Kiều hối không chỉ lớn mà đặc điểm đáng lưu ý là nó đang gia tăng - tăng gần gấp bốn lần so với đầu thiên niên kỷ này - và mau phục hồi. Năm 2009, khi các nền kinh tế trên toàn thế giới lâm vào khủng hoảng, lượng tiền chuyển về các nước nghèo giảm 5%, nhưng đến năm 2010 đã hồi phục lên các mức cao kỷ lục. Ngược lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các nước ngoài giảm 1/3 trong giai đoạn khủng hoảng và luồng tiền tài chính chảy vào giảm trên một nửa.

 

Một lý do cho sự bùng nổ này là số liệu được thu thập tốt hơn trước. Việc báo cáo tình hình chuyển tiền cho các ngân hàng trung ương của các đơn vị chuyển tiền, như Western Union và MoneyGram, được cải thiện, đồng thời công tác giám sát cũng được thắt chặt kể từ sau sự kiện khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2011. Nhờ đó, người ta được biết lượng chuyển tiền về Nigiêria tăng gần gấp hai trong năm 2007. Tại những nơi chính phủ các nước vẫn nhạy cảm về việc cung cấp thông tin, các nhà kinh tế sử dụng các phương pháp thu thập thông tin khác. Dựa trên số liệu về người di trú của WB, lượng kiều hồi từ Ấn Độ sang Bănglađét ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD mỗi năm.

 

Một phần nhờ những "kỹ thuật" thu thập thông tin này mà người ta biết được kiều hối đến từ nhiều nước hơn họ hình dung. Điều này có thể giải thích tại sao kiều hối lại không bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn trên thị trường Phố Wall. Năm 1970, có 46% lượng kiều hối ghi nhận đến từ Mỹ, nhưng đến năm 2010, tỷ trọng của Mỹ chỉ khoảng 17%. Một địa chỉ mới là Vùng Vịnh, nơi tiếp nhận lượng công nhân di trú khổng lồ khi thị trường dầu mỏ tăng bùng nổ. Arập Xêút hiện là địa điểm sinh ra kiều hối lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với số kiều hối chuyển đi đạt 27 tỷ USD trong năm 2010, phần lớn là cho người thân ở Nam Á và châu Phi. Trên một nửa lượng kiều hối chuyển về Nam Á xuất phát từ Vùng Vịnh. Trên toàn thế giới, khu vực này đã chuyển một lượng kiều hối cho các nước nghèo nhiều tương đương các nước Tây Âu.

 

Sự tăng giá mạnh của dầu mỏ đã đưa Nga từ chỗ là địa chỉ sinh ra kiều hối lớn thứ 17 thế giới trong năm 2000 (thực tế Nga khi đó là nước nhận kiều hối ròng) trở thành nước chuyển kiều hối lớn thứ tư thế giới vào năm 2010, với lượng kiều hối chuyển đi xấp xỉ 19 tỷ USD, trong đó hầu hết sang các nước Trung Á. Kiều hối từ Nga hiện đóng góp trên 1/5 GDP của Tátgikixtan.

 

Mặc dù ít biến động thất thường hơn nhiều loại thu nhập khác, kiều hối không phải miễn nhiễm hoàn toàn. Luồng tiền mặt chảy vào Mêhicô năm 2011 vẫn thấp hơn 12% so với thời điểm trước khi kinh tế suy giảm, một phần do nhiều người Mêhicô làm việc trong lĩnh vực xây dựng của Mỹ hiện đang làm ăn sa sút. Sự kiện "Mùa xuân Arập" năm 2011 cũng đã làm giảm đáng kể lượng kiều hối ở Trung Đông và châu Phi, do nhiều người lao động di trú đã rời khỏi các nước có xáo động chính trị lớn như Libi. Một nhân tố làm thay đổi mô hình kiều hối là sự biến động tiền tệ. Đồng USD và đồng euro không còn được săn lùng tại các nước châu Phi như trước đây, do tiền tệ của các nước ở châu lục này đang tăng giá mạnh trước sự gia tăng của xuất khẩu hàng hóa. Chuyên gia Marcelo Giugale thuộc WB cho hay: "Khi bạn chuyển tiền về cho người thân ở Ănggôla, họ không cảm thấy giàu có như trước đây". Làm việc tại châu Âu trong 5 năm cũng không còn có thể giúp họ mua nổi một ngôi nhà ở quê.

 

Tại các nước giàu, nhiều nước đã đóng cửa biên giới để bảo vệ người lao động trong nước. Mỹ hiện đã thắt chặt biên giới phía nam, phần nào giải thích cho sự tăng trưởng chậm lại làn sóng nhập cư từ Mêhicô. Số người di trú cũng gia tăng kể từ khi kinh tế đình đốn. Tuy nhiên, do nhận thức được rằng sẽ khó quay lại nên những người di trú thường lưu lại lâu hơn. Theo Pew Hispanic Centre, 27% số người Mêhicô rời Mỹ năm 2010 đã có thời gian lưu trú ở nước này trong ít nhất một năm, tăng so với tỷ lệ 6% năm 2005. Điều này có thể giúp giải thích tại sao lượng kiều hối từ Mỹ chỉ giảm 5% trong năm 2009. Ngược lại tại Anh, nước đã mở cửa biên giới cho một số nước có lượng người nhập cư lớn nhất vào Anh, lượng kiều hối đã giảm 27%, dĩ nhiên tỷ giá cũng tác động đáng kể đến sự trồi sụt của kiều hối. Giới phân tích cho rằng các chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn cũng ảnh hưởng đến nhóm người di trú và qua đó tác động tới dòng chảy kiều hối trên thế giới.

 

TKT


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN