"Đại dương của chúng ta, Di sản của chúng ta" là chủ đề của Hội nghị "Đại dương của chúng ta" (Our Ocean) năm 2018 diễn ra tại Bali, Indonesia ngày 29 - 30/10.
Đại dương là nguồn cung cấp hải sản khổng lồ như rong, tảo, cá, tôm... đảm bảo nhu cầu lương thực cho hàng tỉ người trên thế giới. Đại dương là kho dự trữ vĩ đại của những khoáng sản có ích, tài nguyên sinh học cũng như những nguyên liệu dùng trong công nghiệp hóa học và dược phẩm....
Trong khi đó, sóng biển, năng lượng thủy triều, sự chênh lệch nhiệt, các dòng hải lưu đều chứa một dự trữ năng lượng to lớn. Ngoài ra, đại dương còn là tuyến đường chính cho thương mại và an ninh.
Nguồn lợi từ đại dương khó có thể kể hết được, bởi vậy đây được xem là "chìa khóa" cho sự thịnh vượng và phát triển của thế giới. Tuy nhiên, đại dương lại đang bị tàn phá cả trực tiếp và gián tiếp do những hoạt động của con người. Ô nhiễm, đánh bắt cá quá mức, biến đổi khí hậu, cùng hàng nghìn những ảnh hưởng có hại khác… đang “kết liễu” các đại dương.
Hội nghị "Đại dương của chúng ta" được tổ chức lần đầu tiên năm 2014 nhằm đối phó với tình trạng tàn phá môi trường đại dương đang lan rộng. Hội nghị tìm kiếm các cam kết không chỉ từ chính quyền mà cả các ngành nghề, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và xã hội dân sự để thống nhất cách giải quyết các vấn đề đang tàn phá môi trường biển, đồng thời thúc đẩy những hoạt động kinh tế có lợi cho môi trường biển.
Trong lần thứ năm tổ chức này, Hội nghị đã nhận được 287 cam kết, với tổng giá trị lên đến hơn 10 tỷ USD để bảo vệ khoảng 14 triệu km vuông đại dương. Đây là con số đóng góp cao nhất từ trước đến nay.
Hội nghị Bali tập trung vào bảo vệ đại dương khỏi sự tàn phá từ các hoạt động của con người, mà nổi cộm là tình trạng ô nhiễm. Bất chấp những nỗ lực hành động của cộng đồng thế giới, hầu như mọi ngóc ngách trên các đại dương đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, gây ra những thay đổi sâu sắc về sinh thái, tổn thất lớn về đa dạng sinh học cũng như kinh tế.
Ô nhiễm rác thải nhựa hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hình ảnh những sinh vật biển chết do mắc vào túi nilon trôi nổi trên biển hay xác những động vật bên trong toàn rác nhựa vẫn còn rất ám ảnh. Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương - nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ.
Trong một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, chỉ tới năm 2025 thôi, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Trong lúc đó, những hạt nhựa siêu nhỏ đã kịp “thâm nhập” vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu loài sinh vật và con người. Những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương với những chiến dịch quyết liệt tiếp tục được nhiều nước đưa ra tại hội nghị này.
Tuy nhiên, rác thải nhựa không phải là nguồn gây ô nhiễm duy nhất. Đại dương còn đang bị “đầu độc” bởi rò rỉ dầu mỏ, các kim loại nặng hay các loại hóa chất, có thể do va chạm, tai nạn của các phương tiện, sự cố giàn khoan, sự cố phun dầu do biến động địa chất, đổ trộm dầu thải… Tuy nhiên, đáng quan ngại là những sự cố không được đánh giá đúng và giải quyết dứt điểm, như vụ tràn dầu do giàn khoan của công ty Taylor Energy (hiện không còn tồn tại) bị sập và chôn vùi dưới biển từ năm 2004.
Theo kết quả điều tra do hãng AP (Mỹ) thực hiện, vụ việc này có thể vượt qua vụ Deepwater Horizon, trở thành một trong những thảm họa ngoài khơi tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ước tính trong 14 năm qua, mỗi ngày lại có khoảng 300 đến 700 thùng dầu bị rò rỉ từ nhiều giếng dầu khác nhau xung quanh khu vực giàn khoan này ở Vịnh Mexico.
Sau ô nhiễm, đại dương còn đang “kêu cứu” trước tình trạng đánh cá trái phép, bừa bãi bằng các phương thức mang tính "tận diệt". Theo thống kê của Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO), lượng cá bị đánh bắt trái phép chiếm tới 15% sản lượng khai thác toàn cầu, với giá trị từ 10 - 23 tỷ USD mỗi năm. Các hoạt động đánh bắt thiếu bền vững làm giảm đáng kể trữ lượng cá, phá hủy hệ sinh thái biển.
Biến đổi khí hậu cũng đang là mối đe dọa lớn đối với “di sản” này. Ngoài hậu quả trực tiếp đối với con người, biến đổi khí hậu còn đi kèm với tình trạng axit hóa đại dương, tạo ra các vùng chết và sự xâm lấn của nhiều loài sinh vật…
Các nhà khoa học đã cảnh báo các đại dương trên Trái Đất đang bị axít hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và sẽ đe dọa tới đời sống của toàn bộ sinh vật biển. Điều này gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp cá và hải sản, đe dọa an ninh lương thực của hàng tỉ người. Do đó, bảo vệ tài nguyên biển và đại dương không thể tách rời các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị năm nay, chủ đề phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên đại dương trở thành điểm nhấn. Sản lượng kinh tế đại dương của thế giới ước tính khoảng 1.477 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030.
Một nền kinh tế tuần hoàn "xanh" sẽ không chỉ giúp cải thiện sức khỏe và sức sống của môi trường biển, mà còn giúp mở ra các giải pháp thông minh hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững. Điều này có nghĩa là nền kinh tế xanh có thể trở thành một động lực quan trọng của sự thịnh vượng và tạo việc làm, nhất là ở các nước đang phát triển và có mức thu nhập trung bình, nơi đại diện cho một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Hội nghị cũng kêu gọi các cam kết về thiết lập các khu vực bảo tồn biển (MPA). Kể từ hội nghị đầu tiên năm 2014, cùng với những cam kết của hội nghị Bali, diện tích đại dương sẽ được bảo vệ trong MPA đã nâng lên thành 26,4 triệu kilômét vuông.
Đại dương có quyền được đối xử tốt hơn, để là một môi trường trong lành cho hàng tỷ sinh vật. Một đại dương “khỏe mạnh” mới là một di sản bền vững cho thế hệ tương lai. Những thông điệp từ hội nghị năm nay một lần nữa cho thấy bảo vệ đại dương là một vấn đề an ninh quốc tế sống còn, đòi hỏi sự phối hợp hành động của toàn thế giới.