Khủng hoảng bất động sản khiến giới trung lưu Trung Quốc kẹt với khoản vay khổng lồ

Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đang gây chấn động đến 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu của quốc gia này.

Chú thích ảnh
Tại Trung Quốc, thường phải mất nhiều năm tiết kiệm một người thuộc tầng lớp trung lưu mới đủ tiền mua một căn hộ. Ảnh: AFP

Peter, một trong những khách hàng mua căn hộ của tập đoàn Aoyuan Trung Quốc, đã từ bỏ việc khởi nghiệp và mua một chiếc BMW sau khi dự án nhà ở trị giá 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) của tập đoàn mà anh đầu tư ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam tạm dừng. Giờ đây, anh đang phải gánh một khoản thế chấp chiếm tới 90% thu nhập từ một ngôi nhà mà có thể không bao giờ nhìn thấy trong tương lai.

“Tôi biết mọi hoạt động đầu tư đều gắn liền với rủi ro và bạn phải trả giá cho những lựa chọn của riêng mình. Nhưng những người chủ căn hộ không nên là bên duy nhất gánh chịu hậu quả”, Peter chia sẻ.

Peter là một trong hàng trăm nghìn người mua nhà ở tại hơn 90 thành phố trên khắp Trung Quốc đang từ chối trả ngân hàng khoản nợ lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) sau khi các công ty đầu tư như Aoyuan và Evergrand dừng thi công các dự án nhà ở.

Ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, với 70% tài sản gắn liền với ngôi nhà, tham gia vào làn sóng từ chối thanh toán, gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội. Giới chức Trung Quốc hiện gấp rút xoa dịu tình hình, với một số đề xuất gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay và để chính quyền địa phương cùng các ngân hàng tham gia giải cứu.

Nhà phân tích Kristy Hung của trang Bloomberg Intelligence ước tính rằng việc ngừng thi công các dự án nhà ở có thể gây thiệt hại 4.700 tỷ nhân dân tệ và cần thêm 1.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, để hoàn thành các dự án.

Thị trường bất động sản Trung Quốc trở nên đặc biệt ở chỗ tại đây, những căn hộ và ngôi nhà mới được mở bán trước khi chúng được xây hay hoàn thiện. Khoản tiền các nhà đầu tư nhận được từ những đơn bán trước này đã thúc đẩy sự bùng nổ của các dự án nhà ở mới.

Trong khi các dự án bất động sản bị tạm dừng không phải là chưa từng xảy ra ở Trung Quốc, nhưng tác động của tình trạng hỗn loạn hiện nay là chưa từng có. Nó xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sau hơn hai năm bị phong tỏa do COVID-19 và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức cao kỷ lục. Giá nhà đã giảm trong 10 tháng liên tiếp, trong khi tăng trưởng thu nhập trên đầu người giảm trong quý thứ năm liên tiếp.

Hong Hao, cựu chiến lược gia về Trung Quốc tại dịch vụ tài chính quốc tế Bocom, cho biết việc từ chối trả các khoản nợ ngân hàng sẽ làm giảm giá nhà và doanh số bán nhà, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

“Tôi không nghĩ đây là một hành động đặt cược khôn ngoan. Nhiều người đã quen với ý nghĩ rằng giá nhà sẽ không bao giờ giảm. Nhưng rõ ràng có một sự thay đổi ở đây”, chuyên gia nhận xét.

Tại Trung Quốc, thường phải mất nhiều năm tiết kiệm một người thuộc tầng lớp trung lưu mới đủ tiền mua một căn hộ với giá lên tới vài triệu nhân dân tệ ở các trung tâm hay thành phố lớn.

Li, nhân viên công ty công nghệ bị cắt giảm 25% lương trong năm nay, hiện sử dụng 1/3 tiền lương để trả khoản thế chấp 4.000 nhân dân tệ hàng tháng cho một dự án căn hộ của Evergrande đang bị đình trệ ở Vũ Hán. Vừa rồi, anh đã cùng 5.000 người mua khác đồng loạt từ chối trả khoản thế chấp để gây sức ép lên chính quyền địa phương và công ty bất động sản tái khởi động dự án.

Chàng trai 26 tuổi cho biết anh lo lắng về tương lai và không muốn bắt đầu một mối quan hệ yêu đương đi đến hôn nhân vì không chắc mình sẽ có nhà riêng.

Một số người mua nhà đã tìm đến các biện pháp pháp lý và đưa trường hợp của mình ra tòa. Kết quả là tòa án ra phán quyết có lợi cho người mua, hủy bỏ hợp đồng mua nhà và yêu cầu các chủ đầu tư trả lại các khoản thanh toán và hoàn trả các khoản thế chấp còn lại cho các ngân hàng.

Guo, người mua căn hộ trong một dự án Evergrande ở tỉnh Hà Nam, đã kiện ngân hàng của mình sau khi dự án bị tạm dừng vào năm ngoái và người cho vay của anh ta không chuyển số tiền anh đóng vào tài khoản ký quỹ. “Chính ngân hàng ký quỹ và nhà đầu tư vi phạm luật, tại sao người mua nhà phải gánh hậu quả?”, Guo bức xúc.

Không phải tất cả người mua nhà đều phản đối hoặc gây sức ép với chính quyền địa phương. Tom, người mua vào một dự án Evergrande trong năm 2021 ở Cảnh Đức Trấn, không có kế hoạch ngừng thanh toán thế chấp vì sợ nó có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của anh. Anh tin tưởng rằng chính quyền địa phương sẽ đảm bảo dự án được hoàn thành.

Nhưng nhiều người mua, đặc biệt là người cao tuổi, không có điều kiện chờ đợi. Liu, một người về hưu ở Cảnh Đức Trấn, không đủ điều kiện vay ngân hàng và đã sử dụng số tiền tiết kiệm 800.000 nhân dân tệ vào dự án căn hộ địa phương. Ông đã hai lần đến công trường nhưng không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoạt động nào.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Làn sóng ‘tẩy chay thế chấp’ khuynh đảo ngành bất động sản Trung Quốc
Làn sóng ‘tẩy chay thế chấp’ khuynh đảo ngành bất động sản Trung Quốc

Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro tài chính mới từ làn sóng tẩy chay thế chấp đang lan rộng khắp cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN