Giới nhà giàu Trung Quốc bỏ bất động sản, đổ tiền đầu tư vào đồng hồ xa xỉ

Giới nhà giàu Trung Quốc đang mạnh tay đổ tiền mua sắm đồng hồ hạng sang như Rolex, trong bối cảnh thị trường nhà đất ở nước này trầm lắng do điều chỉnh chính sách từ chính quyền.

Chú thích ảnh
Với một bộ phận khách hàng, đồng hồ đắt tiền không chỉ là đồ dùng khẳng định vị thế xã hội, mà còn là công cụ đầu tư để chống lạm phát. Ảnh: Getty Images

Giới đầu tư Trung Quốc từng một thời đổ dồn vào bất động sản đang chuyển sự chú ý sang đồng hồ xa xỉ. Họ coi đây là cách bảo toàn tài sản trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch kiềm chế đầu cơ nhà đất.

Nhiều đại lý đồng hồ đắt tiền cho biết công việc kinh doanh tại Trung Quốc khởi sắc trong vài tháng trở lại đây, khi những người lắm tiền ngưng mua thêm nhà, thay vào đó đổ vốn mua sắm các loại đồng hồ xa xỉ như Rolex hay Patek Philippe. Theo giới chuyên gia, xu hướng mới này khiến lượng đồng hồ đắt tiền Thụy Sĩ nhập vào Trung Quốc tăng đến 40% trong 10 tháng đầu năm nay, bất chấp việc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo Camille Gaujacq – chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn thị trường Daxue Consulting có trụ sở ở Thượng Hải, suy thoái trên thị trường bất động sản - vốn một thời được coi là “mỏ đầu tư” của giới nhà giàu, đã đẩy nhiều người tìm kiếm các phương tiện đầu tư thay thế khác. Và đồng hồ xa xỉ có thể là câu trả lời.

Kể từ năm 1990 đến đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại Trung Quốc dường như chỉ theo một chiều tăng giá. Nhưng việc ông Tập Cận Bình quyết tâm thúc đẩy “thịnh vượng chung” cùng với sự đổ vỡ của tập đoàn Evergrande và nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành bất động sản tại Trung Quốc đã khiến mặt bằng giá nhà đất suy giảm trong vài tháng gần đây, một diễn biến được cho là hiếm gặp.

Giới phân tích và người mua nhà kỳ vọng đà giảm giá sẽ còn tiếp diễn. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây một lần nữa nhắc lại quan điểm của ông Tập Cận Bình về “nhà là để ở, chứ không phải là để đầu cơ”, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thực thi nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ngày 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm 5 điểm với lãi suất cơ bản cho vay chuẩn (LPR), từ 3,85% xuống còn 3,80%. Nhưng LPR 5 năm vẫn ở mức 4,65% - vốn ảnh hưởng nhiều đến việc định giá các khoản thế chấp nhà.

Cầu tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc suy yếu do tác động của kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhưng mặt hàng đồng hồ xa xỉ lại được giới nhiều tiền ở đại lục săn lùng mạnh. Một cuộc khảo sát hồi tháng 10 cho thấy 88% trong tổng số 1.500 được hỏi cho biết họ có ý định giữ hoặc tăng chi tiêu cho mua sắm đồng hồ đắt tiền trong 12 tháng tới với mức giá trung bình hơn 12.000 USD/chiếc. Người thuộc diện khảo sát là đối tượng người trưởng thành, có mức thu nhập trung bình hộ gia đình từ 78.480 USD/năm.

“Nhu cầu mua sắm đồng hồ xa xỉ rất mạnh. Nếu như lui tới các hiệu đồng hồ Rolex ở thời điểm hiện tại, sẽ không có đủ lượng đồng hồ cung ứng cho khách hàng”, Simon Tyle, người đứng đầu hãng tư vấn CSG Intage có trụ sở ở Hong Kong thực nghiên cứu khảo sát trên bày tỏ.

Với những khách hàng giàu có, đồng hồ đắt tiền không chỉ là đồ dùng khẳng định vị thế xã hội, mà còn là công cụ đầu tư để chống lạm phát. Sam Yu là chủ một cơ sở sản xuất máy sưởi điện và sở hữu hai căn tại Giang Tô. Anh này mới mua một chiếc Patek Philippe giá gần 110.000 USD hồi tháng 8 và coi đây là “khoản đầu tư thông minh.

“Sau hai năm, tôi có thể bán chiếc đồng hồ này mà vẫn thu được khoản lợi nhuận nhỏ. Tôi không thể làm được điều đó nếu như mua căn hộ. Trong bối cảnh chính sách về thị trường bất động sản nhiều bất chắc như hiện nay, phải mất nhiều tháng mới tìm được một khách hàng mua căn hộ trừ khi tôi giảm giá căn hộ sâu”, Yu chia sẻ.

Theo Watcheco, nền tảng thương mại điện tử chuyên buôn bán đồng hồ đắt tiền đã qua sử dụng, nhiều thương hiệu cao cấp có xu hướng tăng giá trong vài năm gần đây. Đơn cử như một chiếc Rolex Submariners hiện có thể bán với mức giá gấp năm lần giá gốc. “Nhu cầu rất lớn, trong khi nguồn cung một số thương hiệu xa xỉ lại eo hẹp. Giá gần như sẽ không đi xuống trong tương lai gần”, David Wang, chủ một cửa hàng chuyên bán đồng hồ xa xỉ ở Thượng Hải nhận định.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc giảm mạnh năm 2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc giảm mạnh năm 2022

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm tới, khi nền kinh tế này phải đối mặt với những khó khăn như biến thể Omicron và suy thoái nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN