Khủng bố IS áp sát thành phố Syria

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang áp sát thành phố Ain al - Arab hay còn gọi là Kobane - thành phố lớn thứ ba của người Kurd ở Syria.

Các tay súng người Kurd ở Syria dưới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách chặn đà tiến của IS tại thành phố vùng biên mang tính chiến lược này. IS tiến gần đến Ain al - Arab từ ngày 16/9 và đến ngày 21/9 chúng chỉ còn cách thành phố này 10 km sau khi chiếm được hơn 60 ngôi làng trong khu vực.
Trước mối đe dọa từ IS, hàng nghìn người Kurd ở Ain al - Arab đã tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

 

Theo thông tin từ Bộ Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/9, 104.000 người Kurd từ Syria đã chạy sang nước này trong vài ngày qua. Biên giới giữa hai nước được mở để đón người tị nạn, nhưng chỉ mở ở một địa điểm tại Mursitpinar để phía Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát danh tính người tị nạn, hỗ trợ hoặc tiêm vắcxin cho họ nếu cần thiết.

 

Người Kurd ở Syria đi lánh nạn. Ảnh: AFP/TTXVN


Một người dân tên là Sahab Basravi cho biết dù chưa chứng kiến cảnh IS hành quyết nhưng mức độ khét tiếng của quân khủng bố này đã đủ để anh đi tị nạn. Thành phố 50.000 dân giờ gần như trống không. Phần lớn phụ nữ và trẻ em đã rời Ain al - Arab, chỉ còn lại vài nghìn nam giới tình nguyện cầm vũ khí bảo vệ thành phố. Tuy vậy, lực lượng và vũ khí của họ khó mà so được với vũ khí hạng nặng của khủng bố IS.


Phe đối lập Syria từng cảnh báo rằng IS có thể thảm sát hàng loạt người Kurd nếu tiến vào Ain al - Arab và đã kêu gọi quốc tế can thiệp. Dù Mỹ cam kết mở rộng không kích IS sang cả Syria nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington sắp thực hiện lời cam kết này. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho biết Mỹ chưa lên kế hoạch nào cho một cuộc không kích ở Syria. Bà Power cho biết Mỹ có thể sẽ không không kích một mình ở Syria.


Trong một cuộc hội đàm cấp cao hiếm hoi ở New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã thảo luận mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS. Trong đó, ông Kerry đã nhấn mạnh rằng Iran có vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố IS trong bối cảnh Mỹ đang thành lập liên minh quốc tế chống nhóm này. Tuy nhiên, Iran trước đó đã bác bỏ khả năng tham gia liên minh.

Còn tại Iraq - nơi khủng bố IS đang hoành hành ở miền bắc, Bộ Quốc phòng Iraq đã mất liên lạc với nhóm binh sĩ trong một chiến dịch giải cứu một tiểu đoàn bị khủng bố IS tấn công gần thành phố Fallujah. Chiến dịch được không quân Mỹ hỗ trợ. Ngày 21/9, Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ thông báo Mỹ đã thực hiện hai cuộc không kích ở thành phố miền bắc Sinjar, phá hủy một kho súng cối và một xe moóc chở đạn dược của IS.


Trong một diễn biến khác, IS ngày 22/9 đã kêu gọi người Hồi giáo giết công dân các nước tham gia liên minh quốc tế chống IS mà Mỹ khởi xướng bằng bất kỳ phương tiện nào. Trong một tuyên bố dạng âm thanh tung lên mạng, phát ngôn viên IS, Abu Mohammed al - Adnani, nói: “Nếu anh có thể giết một người Mỹ hay người châu Âu, đặc biệt là bọn người Pháp bẩn thỉu, hằn học, hay người Australia, người Canada, gồm cả công dân những nước tham gia liên minh chống IS, hãy tin vào thánh Allah và giết hắn. Hãy giết hắn cho dù là binh sĩ hay dân thường”. Thông điệp của IS được phát bằng tiếng Arab, có phụ đề nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó còn hướng dẫn cách giết người mà không cần vũ khí quân sự.

 

Thùy Dương

Pháp tăng cường trấn áp Hồi giáo cực đoan
Pháp tăng cường trấn áp Hồi giáo cực đoan

Nghị viện Pháp bắt đầu thảo luận một dự luật chống khủng bố, cho phép cấm các đối tượng tình nghi liên quan đến các phong trào Hồi giáo thánh chiến rời khỏi lãnh thổ và tăng cường công tác giám sát, theo dõi trên Internet.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN