Trang mạng aereo.jor.br cho biết không quân các nước hàng đầu trên thế giới đang giảm số giờ bay của phi công. Việc Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự đã khiến cho số giờ bay của phi công chiến đấu Mỹ giảm một nửa, nhiều phi công trong năm chỉ bay 120 giờ (chi phí trung bình mỗi giờ bay là 20.000 USD). Năm 2013, Không quân Pháp cũng giảm số giờ bay từ 180 xuống còn 150 (17%). Phi công có số giờ bay ít hơn sẽ thực hiện một khóa huấn luyện tập trung từ 60-90 ngày (100 giờ).
Năm 1990, Nga cũng đã thực hiện hệ thống 2 cấp độ huấn luyện phi công thông qua việc tăng cường sử dụng thiết bị mô phỏng (huấn luyện trên thiết bị mô phỏng chiếm 10% chi phí giờ bay trên máy bay tiêm kích).
Giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới được xem là các phi công của Israel, Mỹ, Anh và Canada, nơi số giờ bay một phi công đạt mức 200 giờ. Không lực Đài Loan (Trung Quốc) duy trì số giờ bay trung bình hàng năm là 180 giờ. Trong khi đó, một số phi đội tiêm kích tinh nhuệ của Trung Quốc Đại lục cũng có số giờ bay trung bình năm của phi công là 180 giờ. Số giờ bay trung bình của phi công Hàn Quốc là 120 giờ, nhiều hơn hẳn số giờ bay của phi công Triều Tiên.
Tính tới năm 1942, phi công giàu kinh nghiệm nhất là phi công Đức với 240 giờ bay mỗi năm (phi công Anh - 200 giờ). Sau năm này do thiếu nhiên liệu, số giờ bay đã giảm đáng kể, dẫn tới việc đánh mất quyền bá chủ trên không. Trong khi đó, số giờ bay của phi công Anh tăng lên 335 giờ, của phi công Mỹ trung bình là 320 giờ. Năm 1944, số giờ bay của phi công Đức giảm xuống còn 110 giờ. Điều này góp phần dẫn tới sự thất bại của Luftwaffe (Không quân Đức).
Trang Wiki dẫn số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Nga cho biết số giờ bay trung bình mỗi năm của một phi công Không quân Nga đã tăng từ 70-80 giờ năm 2008 lên 110 giờ năm 2011, và dự kiến đạt 130 giờ năm 2012. Số giờ bay trung bình của phi công trẻ Nga năm 2013 là 112 giờ.
Duy Trinh