Chiếc Không lực Một hiện đang chở Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Bloomberg cho rằng không phải ngẫu nhiên mà chiếc Không lực Một của Tổng thống lại đắt đỏ như vậy. Chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ không đơn thuần là một chiếc Boeing 747 thông thường.
Được mệnh danh là “Nhà Trắng bay”, chiếc Không lực Một được trang bị hệ thống liên lạc an ninh, quốc phòng bảo mật và thậm chí còn có một phòng phẫu thuật. Chiếc Không lực Một có thể tiếp nhận nhiên liệu khi đang bay và bảo vệ tổng thống sống sót trong một vụ chiến tranh hạt nhân.
Mackenzie Eaglen – một học giả quốc phòng làm việc trong Viện Doanh nghiệp Mỹ - nhận định chiếc Không lực Một là chiếc máy bay “có một không hai”.
Theo các chuyên gia phân tích, chi phí ước tính 4 tỷ USD của ông Trump cho hợp đồng chế tạo hai chiếc Boeing 747 không khác xa thực tế. Vì không phải là sản phẩm sản xuất theo dây chuyền nên việc thay thế một chiếc máy bay cho tổng thống là rất đắt.
Bên cạnh đó, Boeing là tập đoàn hàng không duy nhất của Mỹ có thể chế tạo máy bay cho Tổng thống, chính vì vậy áp lực cạnh tranh về giá cả cũng biến mất.
Ngoài ra, Không lực Một được trang bị một hệ thống bảo mật cao, chịu được sức ép xung lực từ vụ nổ bom nguyên tử trong một cuộc tấn công hạt nhân.
Không lực Một cũng được thiết kế ngăn chặn trước sự tấn công của vũ khí đất đối không và các loại máy bay khác.
Đặc biệt, hệ thống liên lạc trên Không lực Một đảm bảo đường truyền kết nối Tổng thống với bất kỳ ai trên thế giới và cho phép ông ra lệnh chỉ huy quân đội Mỹ, bao gồm lệnh phóng vũ khí hạt nhân.
Trên mạng xã hội Twitter ngày 6/12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã lên tiếng chê chi phí hợp đồng sản xuất hai chiếc chuyên cơ Không lực Một 747 cho các đời tổng thống tương lai vượt ra ngoài kiểm soát, trên 4 tỷ USD và đe dọa sẽ hủy hợp đồng.
Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên Washington phàn nàn về chi phí sản xuất máy bay cho Tổng thống. Năm 2009, chính quyền Obama đã hủy một bản hợp đồng sản xuất 28 chiếc trực thăng mới chỉ để chuyên chở tổng thống với chi phí lên tới 13 tỷ USD.
Có thể dòng tweet và lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Trump sẽ là bước khởi đầu mở ra một cuộc đàm phán với hãng sản xuất máy bay độc quyền này.
Mark Cancian – một cố vấn cấp cao làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế dự đoán có thể hai bên sẽ đi đến thương lượng cắt giảm chi phí sản xuất từ 5-10%, mà vẫn giữ nguyên các chức năng khác như truyền nhiên liệu trên không hay bảo vệ Tổng thống khỏi các cuộc tấn công hạt nhân.
Không lực Một được coi là một biểu tượng quan trọng gắn liền với hình ảnh Tổng thống Mỹ. Trong quá khứ, Không lực Một đã trải qua rất nhiều thời khắc lịch sử đối với xứ sở cờ hoa này.
Cố Tổng thống John F. Kennedy là chủ nhân Nhà Trắng đầu tiên đặt chân lên một chiếc máy bay được làm riêng cho mình. Chính chiếc Không lực Một còn làm nhiệm vụ cao cả đưa thi thể của ông từ Dallas về đến Washington sau khi bị ám sát.
Đối với cựu Tổng thống George W. Bush, Không lực Một là nơi ông ở trên đó hàng giờ liền để theo dõi về vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001.