Thông tin trên được ít nhất 5 nguồn thạo tin tiết lộ cho tờ New York Times. Theo báo này, chiến lược mới của Mỹ sẽ không tấn công trực diện và giết hại binh sĩ Iran vì hành động đó sẽ vi phạm chính sách hành động hiện giờ của Mỹ tại Syria. Tuy nhiên, quân đội Mỹ có quyền tự vệ và có thể tấn công quân đội Iran nếu cảm thấy bị đe dọa.
Kế hoạch mới của Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao và chính trị, siết chặt nguồn tài chính để buộc Iran phải tự rời khỏi Syria.
Mỹ sẽ tạm ngưng các khoản viện trợ tái thiết từ các khu vực mà lực lượng Iran và Nga hiện diện. Mỹ cũng sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga và Iran hỗ trợ tái thiết ở Syria.
“Đây là cơ hội thực sự cho Mỹ và các đồng minh khiến Iran phải trả giá cho việc hiện diện ở Syria”, Mark Dubowitz – Giám đốc điều hành Quỹ bảo vệ Dân chủ cho biết.
Giới chức quốc phòng Mỹ lo ngại nếu như cả lực lượng quân sự của Mỹ và Iran đều ở Syria, không sớm thì muộn sẽ đẩy Mỹ tiến sát hơn đến xung đột.
Theo các chuyên gia pháp lý, Mỹ không được mở rộng nhiệm vụ quân sự tấn công trực diện vào các cơ sở quân sự và binh sĩ Iran tại Syria, vì điều đó sẽ khiến Mỹ vi phạm Quyền Sử dụng Lực lượng quân sự (AUMF) được Quốc hội thông qua vào năm 2001.
“Nếu như chiến lược mới để ngỏ cánh cửa sử dụng lực lượng chống Iran hoặc quân đội Iran ở Syria, thì cần phải có Quyền Sử dụng Lực lượng quân sự mới. Rõ ràng việc nhắm vào Iran nằm ngoại phạm vi cho phép của AUMF khi quyền đó chỉ bao gồm những tổ chức, nhóm có liên quan tới vụ khủng bố 11/9. Iran không nằm trong số đó”, Giáo sư Oona Hathaway làm việc tại Đại học Luật Yale nhận xét.
Một quan chức quốc phòng cho biết theo kế hoạch mới, quân đội sẽ tiếp tục nói về nhiệm vụ chống IS ở Syria, ít đề cập đến cuộc chiến chống Iran, trong khi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường tập trung vào việc chống Iran bằng cách siết chặt nền kinh tế và lĩnh vực ngoại giao.
Trong chiến lược Syria mới, Mỹ cũng không còn ưu tiên vấn đề lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, song có đề cập chính quyền Syria mới không thể có quan hệ mật thiết với Iran và phải sẵn sàng truy tố những cá nhân vi phạm tội ác chống lại loài người.
Trước đó, theo lời một quan chức chính quyền Washington, kể từ năm ngoái, chiến lược Syria của Tổng thống Trump bao gồm theo đuổi bốn mục tiêu - đánh bại IS, ngăn cản Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hóa học, tạo ra một sự chuyển đổi chính trị ở Damascus, và hạn chế sự ảnh hưởng của Iran ở Syria bằng cách đảm bảo Iran rút quân khỏi Syria.
Hồi tháng 4, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn muốn rút quân khỏi Syria. “Tôi muốn đưa binh sĩ trở về nhà. Tôi muốn bắt đầu tái xây dựng quốc gia”, Tổng thống Trump phát biểu trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi đã thành công trong việc chống IS… nhưng đã đến lúc trở về và chúng tôi đang xem xét vấn đề đó cực kỳ nghiêm túc”.
Cả giới chức Mỹ và đồng minh quốc tế đều thuyết phục Tổng thống Trump duy trì lực lượng binh sĩ tại Syria, như một phần trong nỗ lực cứng rắn với Iran. Họ cho rằng việc Mỹ rút quân sẽ tạo một lỗ hổng ở Syria và chỗ trống đó sẽ sớm bị Iran và IS lấp đầy.