Các phương tiện truyền thông phương Tây ngày 13/1 đồng loạt bình luận về sự kiện Tehran khởi động chương trình tiêu hủy urani đã được làm giàu để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc. Iran sẽ thực hiện hiệp định tạm thời có hiệu lực từ ngày 20/1 tới, theo đó sẽ loại bỏ một số kho dự trữ làm giàu urani cao cấp, tháo dỡ một số cơ sở hạ tầng được sử dụng để làm giàu urani và cam kết không tái khởi động máy ly tâm. Trong khi đó, Mỹ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận toàn diện xung quanh chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi.
Một cơ sở hạt nhân của Iran. |
Hiệp định tạm thời ngừng chương trình hạt nhân của Iran đạt được hồi tháng 11/2013 và trong thời gian 6 tháng tới, Iran sẽ "đóng băng" toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân, để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Tờ Washington Post ghi nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức đã lên tiếng hoan nghênh động thái của Tehran. Tờ báo viết: "Nhà Trắng cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran lúc này có thể phá vỡ xu thế tích cực vừa đạt được hiện nay, trong tiến trình giải quyết "hồ sơ hạt nhân của Iran", vốn hết sức phức tạp và mong manh suốt nhiều năm qua". Ông Obama tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ đạo luật mới nào cấm vận Iran nếu Quốc hội Mỹ ban hành trong giai đoạn này. Ông khẳng định "không thể bỏ lỡ cơ hội để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran".
Theo Tổng thống Obama "các biện pháp trừng phạt và ngoại giao nghiêm khắc chưa từng có đã buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán. Áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung lúc này sẽ là hết sức mạo hiểm - già néo đứt dây và có thể phá hỏng mọi nỗ lực của tất cả chúng ta". Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cũng ghi nhận quan ngại của Thượng nghị sĩ Mark Kirk hoài nghi về sáng kiến của Tổng thống Obama. Theo vị Thượng nghị sĩ này, Chính quyền Obama hiện vẫn đang cung cấp hàng tỷ đô la tài trợ cho những kẻ khủng bố quốc tế.
Tờ Wall Street Journal cho biết thêm rằng các quan chức Mỹ và châu Âu hoan nghênh việc thực hiện các thỏa thuận đạt được hồi cuối năm qua. Họ cũng ghi nhận khả năng Iran có thể từ chối và chối bỏ tuân thủ các thỏa thuận, do sự phức tạp trong các cuộc đàm phán 6 bên với Iran tại Geneva.
Tờ Guardian (Anh) cho biết cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ nối lại cuộc đàm phán này vào tháng 7 năm nay, khi hiệp định tạm thời nói trên hết hiệu lực. Trong khi đó, tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran chẳng qua đạt được đúng thời điểm chính quyền Tehran cũng muốn hạn chế chương trình hạt nhân của mình và cho phép LHQ thực hiện thanh sát chuyên sâu hơn mà thôi.
Cho dù thế nào, Tehran hiện cũng đã xác nhận thời điểm thực hiện thỏa thuận tạm thời này. Các quan chức Iran đã xác nhận ngày bắt đầu cho một sự thay đổi lớn trong chương trình hạt nhân của họ. Đại diện cơ quan giám sát về vấn đề hạt nhân của LHQ sẽ theo dõi cam kết của Iran để đảm bảo rằng quốc gia này thực hiện đúng với những gì đã thỏa thuận.
Đổi lại, Nhà Trắng đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt và cấm vận Iran. Ngoại trưởng Mỹ Kerry khẳng định: "Lợi nhuận khai thác dầu mỏ tương đương 4,2 tỷ USD của Iran sẽ dần được chuyển giao trong vòng 6 tháng tới. Một số tài sản bị phong tỏa của Iran trên thế giới cũng sẽ được Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Quá trình này sẽ kết thúc cho đến ngày cuối cùng của thỏa thuận kéo dài 6 tháng".
Cộng đồng quốc tế giờ đây hy vọng mọi nỗ lực của các bên liên quan xung quanh vấn đề hạt nhân Iran sẽ không thể "xôi hỏng bỏng không" như nhiều lần trước.
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)