Trên mạng xã hội Twitter, IOM Libya thông báo khoảng 100 người di cư vừa trở lại Libya trong bối cảnh giao tranh giữa các phe đối địch leo thang tại quốc gia Bắc Phi này. IOM nhấn mạnh Libya không phải là một “bến đỗ” an toàn cho người di cư, mặc dù đội ngũ IOM đang có mặt ở nước này để hỗ trợ người di cư.
Trong một thông báo đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, IOM cho biết hơn 100 người di cư mất tích sau khi thuyền của họ bị chìm ở ngoài khơi thành phố Khoms (Khom-xơ), cách thủ đô Tripoli của Libya khoảng 120 km về phía Đông.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Đầu tháng 4 vừa qua, LNA đã tấn công thủ đô Tripoli, làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại Libya. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xung đột vũ trang tại Libya từ đầu tháng 4 đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng, 5.700 người bị thương, và hơn 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Do tình hình an ninh và chính trị bất ổn, Libya đã trở thành điểm quá cảnh được nhiều người di cư trái phép lựa chọn để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.