Trong thông báo đăng trên Facebook, Bộ trưởng Salvini nêu rõ: "Tôi sẽ cấp phép (cho những người di cư) lên bờ". Trước đó cùng ngày, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cách thức chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận 131 người di cư trên tàu Gregoretti bị nhà chức trách Italy từ chối cho phép lên bờ.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Pháp, Đức, Ireland, Luxembourg và Bồ Đào Nha sẽ phối hợp với một nhà thờ ở Italy chăm sóc những người di cư. EC không nêu cụ thể việc số người di cư trên sẽ được phân bổ như thế nào tại các nước tiếp nhận, song cho biết phần lớn người di cư được cứu sẽ ở lại Italy.
Đội tuần tra biển của Italy tối 25/7 đã cứu khoảng 140 người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải trong 2 con thuyền ọp ẹp khởi hành từ Libya, và chuyển họ lên tàu bảo vệ bờ biển Bruno Gregoretti. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), hoạt động giải cứu này diễn ra cùng ngày với vụ ít nhất 115 người di cư khác bị cho là đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu ở ngoài khơi Libya. Một vài người di cư trên tàu Gregoretti đã được rời tàu để chăm sóc y tế, trong đó có một phụ nữ mang thai 7 tháng, cùng với 2 con nhỏ và chồng. Tuy nhiên, ông Salvini tuyên bố những người di cư còn lại trên tàu không được phép rời tàu cho đến khi các nước EU khác đồng ý tiếp nhận.
Theo số liệu Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng 2 vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm vượt biển để tới châu Âu. Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu Âu.