Theo Văn phòng của Thủ tướng Italy, hội nghị trên do chính quyền Rome phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức nhằm đóng góp thiết thực vào tiến trình ổn định tại Libya. Hội nghị cũng nhằm thúc đẩy “tiến triển cụ thể và quan trọng trong lĩnh vực an ninh và kinh tế” của quốc gia Bắc Phi này.
Thành phần tham gia hội nghị gồm những nhân vật chủ chốt tại Libya như Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ Fayez Serraj, người đứng đầu Hội đồng cấp cao quốc gia Khalid Al-Mishri, Chủ tịch Hạ viện Ageela Saleh.
Trong khi đó, Tướng Khalifa Haftar từ thành trì tại thành phố Benghazi đã đến Palermo cùng ngày sau nhiều hoài nghi về sự hiện diện quan trọng của nhân vật này. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không dự bữa tối làm việc cùng với các lãnh đạo khác mà trước đó vốn dự kiến sẽ tham gia.
Theo lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy, nhân vật này đến hội nghị tại Palermo chỉ để gặp các lãnh đạo những nước trong khu vực nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất.
Việc Tướng Hafta tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị bàn tròn cùng các lãnh đạo khác đã phủ bóng đen lên nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm khởi động lại tiến trình chính trị bị hoãn lại lâu nay và tổ chức các cuộc bầu cử tại Libya.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu, Arab và Mỹ cũng cử đại diện tham dự. Cụ thể, có 38 phái đoàn xác nhận tham gia hội nghị, trong đó có 10 lãnh đạo và quan chức chính phủ, cùng các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 20 nước khác. Các phái đoàn đã tham dự bữa tối làm việc sau lễ khai mạc.
Giới chuyên gia nhận định Nga, Pháp, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ủng hộ Tướng Hafta, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các phe đối địch với lực lượng của Tướng Hafta, nhất là các nhóm Hồi giáo.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.