Hội nghị do Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa chủ trì và có sự tham dự của bộ trưởng 47 quốc gia châu Phi cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội. Đây là hội nghị quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 9 (TICAD-9) dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Yokohama vào tháng 8 năm sau.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Kamikawa nhấn mạnh, thông qua cơ chế TICAD, Nhật Bản đã có hơn 30 năm đồng hành cùng các quốc gia châu Phi trong việc hỗ trợ khu vực này tự lực vươn lên, cũng như đóng vai trò kết nối giữa châu Phi với cộng đồng quốc tế.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác tích cực được tích lũy cho đến nay, các cuộc thảo luận tại hội nghị lần này được tiến hành nhằm hướng tới một hình ảnh mới cho tương lai châu Phi phát triển năng động hơn với tư cách là một trung tâm tăng trưởng toàn cầu và sẽ được phản ánh đầy đủ tại TICAD-9 vào năm tới. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng kết nối chủ đề này với Hội nghị thượng đỉnh tương lai của Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm tới khi Nam Phi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch.
Cũng theo bà Kamikawa, hội nghị là nơi để các đại biểu cùng thảo luận các giải pháp mới để giải quyết những thách thức mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt, đồng thời phổ biến đến khắp lục địa châu Phi. Từ định hướng ba trụ cột chính là giải quyết thách thức hướng tới tương lai, thanh niên và phụ nữ, nền tảng kết nối và tri thức, các phiên thảo luận sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là xã hội, kinh tế, hòa bình và ổn định.
Về phần mình, ông Mohamed Salem Ould Merzoug, Ngoại trưởng Mauritania - quốc gia Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), đã đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản trong sự phát triển chung của châu Phi, đồng thời nhấn mạnh hợp tác quốc tế là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề mà châu Phi đang phải đối mặt như thiếu nguồn vốn phát triển, hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền cho phụ nữ… Bên cạnh đó, các nước châu Phi cũng quan tâm đến việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm đảm bảo phản ánh đẩy đủ tiếng nói của châu Phi trong cộng đồng quốc tế.
Tại lễ khai mạc, nước chủ nhà Nhật Bản đã công bố logo chính thức của TICAD-9 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 năm sau, do Natumi Watanabe - một học sinh trường chuyên môn tại Nhật Bản thiết kế. Logo dùng nền màu xanh ngọc bích là sự kết hợp giữa màu xanh lam của biển ở thành phố Yokohama, nơi diễn ra TICAD-9 và màu xanh lá cây trên quốc kỳ các nước châu Phi, đồng thời tạo hình số 9 là số thứ tự hội nghị cấp thượng đỉnh của TICAD.
Trong hai ngày 24-25/8, song song với các phiên thảo luận toàn thể cấp bộ trưởng, các cuộc tọa đàm chuyên đề cũng được tổ chức bởi các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và đại diện doanh nghiệp hai nước. Trong chiều 24/8, đã diễn ra hai phiên họp toàn thể với chủ đề "Hiện thực hóa tương lai bền vững" và "Bảo vệ phẩm giá và an ninh con người".
Khuôn khổ TICAD được tổ chức cấp thượng đỉnh lần đầu tiên vào năm 1993 theo sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Phi, đến nay đã được tổ chức 8 lần. Hội nghị bộ trưởng TICAD diễn ra dưới sự bảo trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Phi (AUC), với sự tham dự gồm phái đoàn Bộ trưởng ngoại giao các nước châu Phi, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực châu Phi, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự.