Theo nhật báo Thụy Sĩ Neue Zuercher Zeitung đưa tin ngày 18/3, Trung Quốc đang xem xét khả năng tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức.
Tháng trước, Thụy Sĩ công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào mùa hè tới, mặc dù họ chưa ấn định ngày cụ thể cũng như danh sách những người tham gia. Ukraine cho biết Nga chỉ có thể được mời nếu Moskva đồng ý trước với một loạt điều kiện tiên quyết Kiev đặt ra.
Trong khi đó, Bắc Kinh được cho là đang thúc đẩy việc mời Moskva tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Ngày 18/3, Đại sứ Wang Shihting cho rằng tất cả các bên phải tham gia để chấm dứt cuộc xung đột.
“Cuộc khủng hoảng phải được ngăn chặn để không trở nên tồi tệ hơn hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”, Đại sứ Wang nói, đồng thời quan chức ngoại giao này lưu ý Trung Quốc đã đưa ra chiến lược chính trị chấm dứt cuộc xung đột và Bắc Kinh đã làm theo đề xuất của Thụy Sĩ cũng như đang cân nhắc việc tham gia.
Ông Wang Shihting nhấn mạnh: "Chủ quyền lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng và Hiến chương Liên hợp quốc phải được tuân thủ. Chúng ta nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt để tình hình leo thang có thể giảm dần”.
Về phần mình, Nga tuyên bố họ không có ý định tham gia, ngay cả khi được mời chính thức. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay hội nghị được đề xuất nhằm mục đích thúc đẩy “công thức hòa bình không thực tế” của Tổng thống Zelensky.
Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky bao gồm việc Nga rút toàn bộ quân đội ra khỏi lãnh thổ và trả lại biên giới năm 1991 cho Ukraine; Nga phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường, kèm theo nhiều điều kiện khác. Nữ phát ngôn viên Zakharova cho rằng trong khi yêu cầu của Kiev vẫn không có gì thay đổi thì lợi ích của Nga lại bị phớt lờ. Bà khẳng định Thụy Sĩ đã đánh mất vị thế trung lập và không thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Các cuộc đàm phán hòa bình trước đây giữa Moskva và Kiev được tổ chức tại Istanbul vào mùa xuân năm 2022 nhưng đã đổ vỡ. Các bên đều cáo buộc bên kia đưa ra những yêu cầu không thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Moskva nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.
Điện Kremlin cho biết họ vẫn sẵn sàng thảo luận nhưng chỉ khi Kiev thừa nhận thực tế trên thực địa.