Đàm phán trực tiếp và gián tiếp tại thủ đô của Áo đã “đóng băng” bởi điều phối viên Liên minh châu Âu (EU) cách đây một tháng. Diễn biến này được cho nhằm tìm ra giải pháp cho yêu cầu vào phút chót của Nga rằng các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên nước này sẽ không ảnh hưởng đến tương lai thỏa thuận với Iran.
Vấn đề này được giải quyết trong vài ngày sau khi Moskva thông báo nhận được đảm bảo bằng văn bản từ Washington. Vậy nhưng, viễn cảnh về thỏa thuận giữa Iran và Mỹ dường như vẫn xa vời khi các đối thoại gián tiếp giữa Tehran và Washington đã im lìm trong nhiều tuần.
Iran và Mỹ vẫn bế tắc về các vấn đề quan trọng. Nổi bật trong đó là liệu Mỹ có nên đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách “nhóm tổ chức khủng bố nước ngoài”.
Kênh Al Jazeera dẫn lời nhiều quan chức Mỹ giấu tên cho biết IRGC vẫn sẽ là một trong những thực thể chịu lệnh trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới ngay cả khi được đưa ra khỏi danh sách sách “nhóm tổ chức khủng bố nước ngoài”.
Cả Iran và Mỹ vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự trì hoãn dai dẳng và cho rằng phía còn lại phải nhìn thấy lý do và nhượng bộ.
Ngày 6/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ ngờ vực về khả năng đạt được một thỏa thuận. Ông nêu rõ: “Tôi không quá lạc quan về việc đạt được kết luận của một thỏa thuận. Tôi vẫn tin rằng lợi ích hàng đầu cho Mỹ là khi chúng ta có thể quay trở lại với tuân thủ thỏa thuận và Iran cũng làm việc tương tự. Nhưng chúng ta chưa ở mức độ đó”.
Ông Sina Azodi tại Hội đồng Atlantic trong khi đó lại khá lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận bởi các bên đều đã đầu tư nhiều vào đàm phán. Hãng thông tấn AP (Mỹ) trích dẫn một báo cáo trong tuần trước lên quốc hội Mỹ cho thấy Bộ Ngoại giao nước này đã chi trên 2 triệu USD mỗi tháng để bảo vệ an ninh cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cựu đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook.
Ông Sina Azodi bổ sung: “Tôi cho rằng cả Iran và Mỹ sẽ cố gắng bảo vệ quan điểm lâu nhất có thể, với mục đích buộc phía bên kia thể hiện linh hoạt”.
Phó chủ tịch Viện Quincy (Mỹ) Trita Parsi đưa ra ý kiến rằng khả năng đạt được thỏa thuận vẫn cao hơn nguy cơ thất bại. Ông phân tích: “Trong 9 tháng qua, thông điệp được đưa ra là điều này không thể kéo dài thêm. Nhưng nó vẫn tiếp diễn. Thực tế là viễn cảnh đàm phán sụp đổ quá bất lợi cho cả hai phía do vậy họ vẫn duy trì ngoại giao cho đến khi có hy vọng về đột phá”.
Ông Trita Parsi cũng lập luận rằng bất ổn chính trị tại Mỹ đồng nghĩa với hai bên đều cho rằng thỏa thuận khó có thể tồn tại sau thời kỳ chính quyền Tổng thống Biden.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.