Khả năng đàm phán về hạt nhân Iran không có sự tham gia của Mỹ

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 15/5 cho rằng có thể tiến hành thảo luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran mà không có sự tham gia của Mỹ.

 Ông Sergei Ryabkov (ảnh) cho rằng có thể tiến hành thảo luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran mà không có sự tham gia của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin RIA dẫn lời ông Ryabkov cũng nêu rõ không thể duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu không có sự nhượng bộ của Tehran. Ông cho rằng việc Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA là hành động "thiếu suy nghĩ" trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6 tới liên quan vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về thỏa thuận hạt nhân Iran và tình hình Syria. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định cam kết đối với JCPOA. Ông Macron có kế hoạch thăm Nga để tham dự một diễn đàn kinh tế vào tuần tới.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 15/5 cũng đã có cuộc gặp với Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách duy trì JCPOA. Phát biểu với báo giới, ông Zarif không đưa ra nhiều thông tin, song thể hiện mong muốn thảo luận thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như tình hình nghiêm trọng tại Dải Gaza hiện nay.

Hãng tin Tasnim đưa tin Ngoại trưởng Zarif đã có cuộc gặp mang tính xây dựng với bà Mogherini và ông đã thể hiện lạc quan rằng những lợi ích của Iran trong JCPOA có thể vẫn được duy trì bất chấp việc Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tuần trước, EU hy vọng sẽ thuyết phục được Iran tiếp tục tôn trọng thỏa thuận mang tính lịch sử này.

Dự kiến, ngày 16/5 các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận việc bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn với Iran khỏi tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Washington rút khỏi JCPOA.

Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế "ở mức cao nhất" đối với Tehran. Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt các công ty châu Âu làm ăn với Iran
Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt các công ty châu Âu làm ăn với Iran

Ngày 13/5, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết các doanh nghiệp châu Âu giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN