Khả năng Anh chấp nhận sự đảm bảo mang tính ràng buộc về điều khoản 'rào chắn'

Anh có thể chấp nhận các đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý về điều khoản "rào chắn" liên quan tương lai biên giới CH Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.

Động thái này sẽ đi ngược lại lập trường chính thức của Thủ tướng Anh Theresa May, vốn cho rằng cần có những thay đổi trong thỏa thuận Brexit mang tính ràng buộc pháp lý để đảm bảo thỏa thuận này được Quốc hội Anh thông qua.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Anh ở London ngày 30/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nguồn tin ngoại giao châu Âu, Bộ trưởng Brexit của Anh, Stephen Barclay đã nói với Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier, rằng London có thể sẽ không yêu cầu những sửa đổi trong thỏa thuận Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) được hai bên nhất trí hồi cuối năm ngoái.

Sau cuộc gặp ngày 11/2 với ông Barnier, Bộ trưởng Barclay vẫn cố tìm kiếm một điều khoản đơn phương rút khỏi EU từ điều khoản "rào cản" đối với Anh. Tuy nhiên, EU đã bác bỏ các nỗ lực này.

Dự kiến, hai quan chức Anh và EU này sẽ tiếp tục gặp nhau tại Brussels (Bỉ) vào ngày 18/2 tới. Thủ tướng Anh May cũng được cho là sẽ tới Brussels vào tuần tới, song chuyến thăm này chưa được xác nhận.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, song cho đến nay bà May vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện đối với "thỏa thuận ly hôn". Nhà lãnh đạo này đang thử đưa ra các thay đổi đối với phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận - điều khoản "rào chắn".

Điều khoản này nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước CH Ireland (thuộc EU) thời hậu Brexit nếu hai bên chưa đạt thỏa thuận thương mại song phương. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland không ủng hộ vì điều khoản này đồng nghĩa với việc Anh tiếp tục ở lại liên minh thuế quan của EU, vì vậy họ nỗ lực loại bỏ điều khoản này khỏi "thỏa thuận ly hôn".

Trong khi đó, Công đảng đối lập tại Anh cho biết sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận của chính phủ nếu Thủ tướng May đưa ra 5 cam kết pháp lý, trong đó có việc tham gia liên minh thuế quan chung. Các bất đồng đã dẫn tới việc gần sát thời thời điểm phải ra đi nhưng thỏa thuận của bà May vẫn chưa nhận được đủ số phiếu cần thiết.

Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất tối 14/2 (theo giờ Anh), các nghị sĩ Anh đã từ chối động thái đề nghị họ tái khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch của Thủ tướng May nhằm tìm kiếm những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit của bà.

Các nghị sĩ đồng thời nhấn mạnh rằng London cần tiếp tục thương lượng với EU về điều khoản liên quan biên giới giữa xứ Bắc Ireland của Anh và CH Ireland. Nhiều thành viên ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền đã lên kế hoạch bỏ phiếu trắng vì lo ngại về việc bà May có thái độ mềm mỏng hơn đối với kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Kết quả này đã tạo thêm một "nút thắt" cho tiến trình đàm phán Brexit kéo dài 2 năm, khắc sâu thêm rạn nứt trong cơ quan lập pháp Anh về cách thức đưa vương quốc này rời EU.

Nếu thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đề xuất không được phê chuẩn trước ngày 29/3, bà sẽ phải quyết định hoặc hoãn Brexit hoặc để mặc cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này rời khỏi EU trong hỗn loạn vì không có thỏa thuận nào.

Minh Châu (TTXVN)
Thời điểm Brexit tới gần, Pháp hối thúc Anh ra quyết định
Thời điểm Brexit tới gần, Pháp hối thúc Anh ra quyết định

Phản ứng sau khi Hạ viện Anh lần thứ hai bác kiến nghị của Thủ tướng Theresa May về Brexit, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau ngày 15/2 hối thúc London cần nhanh chóng quyết định về việc cần làm vì thời điểm Brexit ngày 29/3 đang tới rất gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN