Trong khi Đức và Trung Quốc bị lũ lụt nghiêm trọng, nhiều khu vực của châu Âu và Mỹ lại đối mặt với cháy rừng. Hạn hán tại Đông Phi khiến nhiều quốc gia bị mất mùa và phải chật vật giải quyết nạn đói như Kenya, Madagascar.
Theo các chuyên gia, thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã khiến chính phủ các nước nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng các mục tiêu quốc tế nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở 1,5 độ C.
Trên thực tế, từ lâu, nhiều quốc đảo đã đi đầu trong các nỗ lực đáp ứng mục tiêu trên nhằm ngăn thảm họa khủng khiếp hơn xảy ra, vì nhiều nước trong số này đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm, khi hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tăng mực nước biển dâng. Mặc dù trong năm 2021, mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C đã nhận được nhiều sự ủng hộ, song kế hoạch này đang có nguy cơ trở nên bất khả thi, khi các nước vẫn đang tranh luận xem làm thế nào để quay lại lộ trình đạt được mục tiêu này, đưa ra nhiều cam kết cắt giảm khí thải, thay vì đặt ra quy mô hay vạch rõ khung thời gian thực hiện.
Việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho biết đến năm 2030, lượng khí thải CO2 do con người tạo ra cần phải giảm khoảng 45% so với lượng khí thải năm 2010 và đạt mức trung hòa vào giữa thế kỷ này để giúp thế giới có cơ hội giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C cũng như tránh những hệ quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Đại sứ Antigua và Barbuda tại Liên hợp quốc cho rằng những cam kết ở cấp độ cao hơn cần phải đi đôi với hành động nhanh chóng.
Net Zero Tracker - một liên minh gồm 4 nhóm nghiên cứu - nhấn mạnh tin tốt là 90% nền kinh tế toàn cầu đang đặt ra các mục tiêu về trung hòa khí thải, tăng mạnh so với tỷ lệ 68% của năm 2020. Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) Frank Rijsberman khẳng định xu hướng gia tăng cam kết về trung hòa khí thải cho thấy thế giới đang nỗ lực hướng tới mục tiêu của mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đề ra.
Trước đó, sau hai tuần nhóm họp, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh) đã kết thúc với cam kết tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như giảm bớt việc sử dụng than đá trong sản xuất theo từng giai đoạn, chấm dứt việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen kêu gọi các nước có hành động nhanh chóng và ý nghĩa nhằm đưa thế giới trở lại lộ trình an toàn.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu Hành động khí hậu cũng kêu gọi các bên tăng cường nỗ lực vì các cam kết cắt giảm khí thải từ nay cho đến năm 2030 sẽ vẫn khiến nhiệt độ Trái Đất tăng trung bình ở mức 2,4 độ C. Về phần mình, chuyên gia chính sách khí hậu Niklas Hohne của Viện Khí hậu mới có trụ sở tại Đức đánh giá mặc dù đã có thêm nhiều nhà lãnh đạo ủng hộ mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C so với mức tăng 2 độ C, song khoảng cách giữa quyết tâm và hành động đang ngày càng được nới rộng. Nhận thức được điều này, hội nghị COP26 đã nhất trí rằng các nước cần vạch ra kế hoạch giảm khí thải tham vọng hơn vào năm tới.
Các nước hiện vẫn bất đồng về việc quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn trong mục tiêu giảm khí thải, cũng như ngân sách chi trả cho các biện pháp đó. Điều này đã khiến mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C trở nên khó thực hiện. Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo rằng mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã lên mức kỷ lục vào năm ngoái và thế giới đang ngày càng thụt lùi trong việc đạt được mục tiêu này. Trước đó, vào tháng 8, IPCC cũng cho biết nhiệt độ trung bình trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn 1,5 độ C trong vòng 20 năm tới, dẫn tới lũ lụt, mưa bão, hạn hán và nắng nóng trầm trọng hơn.
Cựu Chủ tịch IPCC Robert Watson nhận định việc thực hiện mục tiêu khí hậu đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi cam kết các nước đưa ra đều chưa đủ tham vọng và thiếu hành động thực tế. Một ví dụ điển hình là kể từ sau COP26, Trung Quốc và Ấn Độ đã yêu cầu các doanh nghiệp nâng sản lượng khai thác than để bù đắp thiếu hụt năng lượng, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các công ty dầu khí nâng sản lượng để hạ giá thành sản phẩm. Tại Anh, các cam kết đến năm 2035 có thể giảm 78% lượng khí thải so với năm 1990 không nhận được sự hỗ trợ hay có mục tiêu phù hợp với các chính sách hiện nay. Chuyên gia này lo ngại rằng năm 2021 nhiều khả năng sẽ năm của cam kết chứ không phải hành động.