Kêu gọi giải quyết khủng hoảng Syria bằng giải pháp chính trị

Kết thúc Hội nghị cấp bộ trưởng Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 23 tổ chức ngày 30/6 tại thủ đô Manama của Bahrain, hai bên đã cam kết cùng nỗ lực nhằm giúp triệu tập một hội nghị hòa bình về Syria.

GCC và EU cũng tái khẳng định sự cấp thiết của việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria và cam kết nỗ lực hết sức để tạo các điều kiện thích hợp giúp tổ chức thành công hội nghị hòa bình về Syria sắp tới tại Geneva với sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Mỹ và Nga.

Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy tại trung tâm thành phố Deir Ezzor, đông bắc Syria ngày 27/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu tại hội nghị, bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, nhấn mạnh các nước cần cùng nhau nỗ lực để tìm ra giải pháp chính trị nhằm mang lại hòa bình cho Syria, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc cuộc chiến này đang lan sang các nước láng giềng như Lebanon và Iraq.

Tuyên bố chung của hội nghị lên án vai trò của Phong trào Hezbollah ở Lebanon trong các chiến dịch quân sự tại Syria, song không đề cập đến đề nghị cung cấp vũ khí cho phe đối lập vũ trang Syria nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Arập Xêút - nhà bảo trợ chính cho phe đối lập Syria cùng với Qatar - đã lên tiếng hối thúc EU cho triển khai ngay quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria nhằm bù đắp cho lượng vũ khí mà Damaccus nhận được từ Phong trào Hezbollah và các lực lượng khác được Lực lượng vệ binh Cách mạng Iran hậu thuẫn. Quyết định này đã được các Ngoại trưởng EU thông qua vào cuối tháng 5 vừa qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 8 tới.

Về vấn đề Iran, GCC và EU bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời thúc giục nước Cộng hòa Hồi giáo này đóng vai trò xây dựng trong khu vực. Trước đó, các nhà lãnh đạo GCC đã nhiều lần cáo buộc Iran âm mưu gây bất ổn tại các nước thành viên.

Về kinh tế, theo bà Catherine Ashton, kim ngạch thương mại song phương giữa EU và GCC - gồm 6 nước thành viên là Arập Xêút, Bahrain, Qatar, Kuwait, Oman và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) - đã tăng 45% kể từ năm 2010 và đạt 188 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid Bin Ahmad Al Khalifa cho biết GCC và EU đã đạt được "99%" thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do (FTA) được hai bên đàm phán từ năm 1990 và đặt mục tiêu ký kết "càng sớm càng tốt".

Hội nghị trên là một phần trong một loạt hội nghị cấp Bộ trưởng tổ chức trong 23 năm qua kể từ khi GCC và EU ký kết Thỏa thuận khung hợp tác vào năm 1988 để thiết lập các quan hệ giao kết, với mục đích đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai khối thương mại và kinh tế mang tính châu lục này, đồng thời hỗ trợ phát triển dựa trên đôi bên cùng có lợi.


TTXVN/Tin tức






Một Syria không còn như xưa
Một Syria không còn như xưa

Tình hình nội chiến tại Syria đang diễn biến phức tạp, được cả thế giới quan tâm. Cuộc sống của người dân Syria cũng đang thay đổi từng giờ, từng ngày, khiến dư luận xót xa. Hãy cùng xem những hình ảnh đổ nát, tan hoang, ảm đạm, không một bóng người tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN