Theo kênh truyền hình RT, Mỹ từ lâu đã để mắt tới Bắc Cực – một đấu trường tiềm năng cho một cuộc đối đầu địa chính trị. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Trái Đất đang biến vùng băng giá này thành các tuyến đường thủy có thể đi qua được, Washington rõ ràng dự định hành động tại khu vực mà một ngày nào đó có thể trở thành một trong những tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Trả lời báo Wall Street Journal, Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer cho biết Mỹ sẽ điều động tàu chiến Hải quân tới Bắc Cực tham gia nhiệm vụ tự do hàng hải. Trước đó, Hải quân Mỹ cũng đã triển khai các nhiệm vụ tương tự tới Biển Đông thách thức các tuyên bố phi lý về lãnh thổ của Bắc Kinh.
Kế hoạch của Washington không chỉ hạn chế nhiệm vụ tự do hàng hải mà còn liên qua tới việc triển khai binh sĩ tới căn cứ bỏ hoàng Adak. Mỹ lên kế hoạch điều động tàu và máy bay giám sát P-8 Poseidon tới đó. “Kế hoạch là như thế. Chúng tôi sẽ triển khai như đã nói”, Bộ trưởng Spencer cho biết.
Tuy nhiên, cho tới giờ những hành động mà Hải quân Mỹ triển khai không dứt khoát như lời Bộ trưởng Spencer. Nhiệm vụ vẫn đang “trong giai đoạn đầu” và Hải quân Mỹ chưa quyết định loại tàu nào sẽ được điều động và cảng biển nào các tàu sẽ ghé thăm. Căn cứ Adak cũng vẫn chưa tái hoạt động.
Theo giới chuyên gia, mục tiêu của Mỹ muốn đuổi kịp sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực Bắc Cực trên thực tế khó có thể đạt được. Nga có trong tay một hạm đội tàu phá băng khổng lồ, bao gồm 5 tàu phá băng hạt nhân và 30 tàu phá băng chạy bằng diesel. Ba tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, được cho là “lớn nhất và có uy lực nhất” thế giới, dự kiến gia nhập hạm đội Nga trong một vài năm tới.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang chế tạo các tàu tuần tra đa dụng mới có thể hoạt động ở Bắc Cực. Lô tàu đầu tiên dự kiến chuyển giao cho Hải quân Nga trong năm 2020. Không chỉ có vậy, Nga còn xây dựng các cơ sở quân sự độc nhất tại Bắc Cực, được trang bị hệ thống radar cùng các căn cứ thường trực lẫn di động.
Trái ngược với đó, hiện tại Mỹ chỉ có duy nhất 1 tàu phá băng hạng nặng. Mặc dù trước đây cựu Tổng thống Barack Obama từng cam kết sẽ thu hẹp “khoảng cách về tàu phá băng” đối với Nga sớm nhất là từ năm 2015, song tình hình vẫn chưa có gì khởi sắc từ đó đến nay.
“Mỹ thiếu tài nguyên để có thể nắm quyền tại Bắc Cực”, Vladimir Bruter – chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo quốc tế, nhận xét với RT. Theo chuyên gia này, trên thực tế, ý muốn của Washington không phải là để tranh giành quyền thống trị ở Bắc Cực mà thay vào đó là tìm cách phá hoại cuộc chơi của đối thủ.
Mỹ rõ ràng lo ngại rằng Nga có thể bắt đầu khai thác Tuyến đường biển phía Bắc trong lĩnh cực thương mại và điều này được coi là bất lợi cho lợi ích kinh tế Mỹ. Washington "liên tục tìm cách khiêu khích Moskva, để Nga phản ứng thái quá. Bất kỳ phản ứng nào sẽ đều bị Mỹ coi là mối đe dọa" và sau đó được sử dụng để định hình chính sách của Mỹ, chuyên gia Bruter giải thích.