Chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga – nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, đã khiến Liên minh châu Âu phải cân nhắc lại các chính sách năng lượng của mình trong bối cảnh lo ngại về những cú sốc nguồn cung ngày càng gia tăng. Nga cung cấp 40% lượng khí đốt và 27% lượng dầu nhập khẩu của EU và các nước trong liên minh đang chật vật tìm tiếng nói chung trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga.
Ba mũi nhọn...
Theo tài liệu dự thảo mà Reuters đưa tin, để cắt giảm các loại nhiên liệu đó, Brussels sẽ đề xuất một kế hoạch gồm ba mũi nhọn: chuyển sang nhập khẩu nhiều khí đốt không phải của Nga, triển khai nhanh hơn năng lượng tái tạo và nỗ lực hơn nữa để tiết kiệm năng lượng.
Các biện pháp dự thảo, có thể thay đổi trước khi được công bố trong ngày 18/5 (theo giờ Brussels), cũng bao gồm sự kết hợp các luật của EU, những kế hoạch không bắt buộc và các khuyến nghị mà chính phủ các quốc gia thành viên liên minh có thể thực hiện.
Tổng hợp lại, Brussels dự kiến sẽ đầu tư 210 tỷ euro- mà khối đã có kế hoạch hỗ trợ bằng cách giải phóng thêm tiền từ quỹ phục hồi sau COVID-19, và kế hoạch này cuối cùng sẽ giúp làm giảm hàng tỷ euro mà châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm.
Kế hoạch của EU vạch ra một chương trình ngắn hạn cho các nguồn cung khí đốt không phải của Nga, nhấn mạnh tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Ai Cập, Israel và Nigeria, cũng như những cơ sở hạ tầng cần thiết để “xoay trục” khỏi Nga.
Nhu cầu khí đốt của châu Âu dự kiến sẽ giảm khoảng 1/3 vào năm 2030 theo các mục tiêu của khối nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Và các đề xuất dự kiến sẽ phác thảo mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu 10 triệu tấn khác - có thể được sử dụng để thay thế khí đốt trong công nghiệp, nhằm tránh nhiều năm bị kẹt về lượng khí thải.
Ủy ban châu Âu hiện đang xem xét đề xuất các mục tiêu cao hơn để mở rộng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, với 45% thị phần năng lượng tái tạo vào năm 2030, thay thế cho đề xuất 40% hiện tại. Việc cắt giảm 13% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm 2030, so với mức sử dụng dự kiến, cũng đang được thảo luận để thay thế đề xuất 9% hiện tại.
Các phần khác của gói 3 mục tiêu bao gồm một luật được sửa đổi, cho phép cấp giấy phép đơn giản hóa trong một năm cho một số dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhằm cắt giảm thời hạn cấp phép kéo dài nhiều năm khiến các dự án như vậy bị trì hoãn.
Các kế hoạch mới của EU nhằm bắt đầu triển khai năng lượng mặt trời quy mô lớn cũng sẽ cố gắng cắt giảm năng lượng chạy bằng khí đốt và hệ thống sưởi trong nhà, văn phòng và nhà máy, bằng cách yêu cầu các quốc gia thành viên lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời trong tất cả các tòa nhà công cộng mới, kể từ năm 2025.
Và những rào cản lớn
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu tuyên bố cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay là khả thi, nhưng sẽ "đau đớn và tốn kém", theo một nhà phân tích ngành năng lượng.
Theo báo cáo tháng 4 của ông Sverre Alvik, Giám đốc Nghiên cứu Chuyển tiếp Năng lượng tại DNV (một tổ chức tư vấn và phân loại có trụ sở tại Na Uy hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và năng lượng toàn cầu), “khoảng một phần ba nhu cầu khí đốt của châu Âu được sử dụng để sưởi ấm và nấu nướng trong các tòa nhà, và một phần ba khác để sản xuất điện. Gần 20% được sử dụng bởi ngành công nghiệp sản xuất, và phần còn lại được sử dụng trong ngành công nghiệp hóa dầu và trong chính ngành khí đốt”.
Nga cung cấp cho EU khí đốt tự nhiên qua đường ống, hay còn gọi là PNG. PNG sẽ rẻ hơn Khí đốt tự nhiên hoá lỏng, hay LNG. LNG có thể được vận chuyển linh hoạt hơn, vì nó không bị giới hạn trong các đường ống cố định chạy từ điểm A đến điểm B, nhưng lại đắt hơn PNG.
Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hơn không phải là giá cả - một “viên đạn” mà người tiêu dùng và các công ty châu Âu đang phải đối mặt - mà là sự thiếu hụt về thiết bị và cơ sở vật chất mà việc cung cấp LNG cần đến.
Rào cản lớn là số lượng cơ sở hạ tầng sẵn có không đủ để tiếp nhận đủ khí đốt hoá lỏng đến châu Âu.. Ông Alvik nói: “Họ cần các thiết bị đầu cuối để tái khí hoá LNG từ các con tàu”.
Có hai giải pháp được đưa ra: một giải pháp ngắn hạn, một giải pháp dài hạn. Trong ngắn hạn, Đức đang thực hiện các hợp đồng toàn cầu cho FSRU - Đơn vị điều tiết và lưu trữ nổi - có thể được neo ngoài khơi để tái khí hóa LNG và bơm vào các đường ống trên cạn. Tuy nhiên, số lượng máy khổng lồ này có hạn và chúng chỉ có công suất xấp xỉ 1/4 công suất của một nhà ga LNG.
Giải pháp lâu dài hơn là xây dựng thêm các thiết bị đầu cuối LNG - một quá trình sẽ mất 2-3 năm. Tuy nhiên, trước tiên LNG phải đến được các thiết bị đầu cuối. Một yếu tố hạn chế khác khi nói đến việc thay thế PNG của Nga là sự sẵn có của các tàu chở dầu khổng lồ, cực kỳ đắt tiền và tinh vi, vận chuyển LNG qua các đại dương. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các nhà máy đóng tàu khổng lồ ở các nước như Hàn Quốc đã được đặt hết cho đến năm 2024-2025.
Mũi nhọn sử dụng năng lượng tái tạo cũng được dự báo sẽ đối mặt thách thức. Báo cáo của DNV lưu ý: “Chắc chắn có cơ hội để tăng tốc trên những mặt trận này: năng lượng hạt nhân của Bỉ, máy bơm nhiệt của Pháp, năng lượng mặt trời của Đức và gió từ châu Âu sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga.”
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo: “Một số lựa chọn trong số này có thể tạo ra sự khác biệt trong năm nay; những số khác thì cần nhiều năm để có hiệu quả đáng kể.”