Kênh truyền hình “Mir-24” cho biết tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng trên khắp nước Kazakhstan. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống nước này Kassym-Zhomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần ở các vùng Mangistau và Alma-Ata, cũng như ở Nur-Sultan.
Sau khi áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp, hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế, cư dân không được phép tụ tập đông người và tổ chức các sự kiện, kể cả các sự kiện qui mô gia đình như cưới hỏi, đám ma, sinh nhật.
Ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết ông đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh từ nhà lãnh đạo kỳ cựu Nursultan Nazarbaye. Cựu Tổng thống Nazarbayev, 81 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, khiến ông Tokayev phải chấp nhận để chính phủ từ chức vào trước đó cùng ngày.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin cho biết, cùng ngày, những người biểu tình đã giành quyền kiểm soát sân bay ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, trong bối cảnh quốc gia Trung Á này hứng chịu làn sóng bất ổn bắt nguồn từ các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu.
Theo nguồn tin, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Almaty đều tạm thời bị hủy. Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở tỉnh Mangistau, cũng như tại thành phố Aktau và một số thành phố khác của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết 8 cảnh sát và vệ binh quốc gia đã thiệt mạng cùng 317 người bị thương khi tình trạng bất ổn diễn ra tại một số khu vực của Kazakhstan.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã chấp thuận để chính phủ nước này từ chức, song chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho tới khi Nội các mới được thành lập. Sắc lệnh Tổng thống nêu rõ: "Theo Điều khoản 70 của Hiến pháp nước CH Kazakhstan, tôi quyết định chấp nhận để Chính phủ CH Kazakhstan từ chức.
Ông Smailov Alikhan Askhanovich sẽ đảm nhận vai trò là Thủ tướng lâm thời của CH Kazakhstan". Theo Sắc lệnh Tổng thống, các thành viên chính phủ sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình cho tới khi chính phủ mới được thành lập.
Sáng 6/1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan.
Theo ông Pashinyan, quyết định này được đưa ra sau khi tham vấn với lãnh đạo các quốc gia thành viên của CSTO và xuất phát từ sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình của Kazakhstan. Ông Pashinyan cho biết: “Theo đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và trước mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chủ quyền của Cộng hòa Kazakhstan, nhằm loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài. Căn cứ theo Điều 4 của Hiệp ước an ninh tập thể, CSTO đã thông qua quyết định gửi các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tới Cộng hòa Kazakhstan trong một thời gian giới hạn để ổn định và bình thường hóa tình hình ở nước này”.
Tối 5/1 theo giờ địa phương, Tổng thống Kazakhstan đã chính thức yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO trước tình hình bạo lực leo thang trong nước do các phần tử khủng bố đứng đằng sau. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở Kazakhstan đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.
CSTO có 6 quốc gia thành viên, gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Điều lệ của tổ chức này cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền.