Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Tareq Hammouri nêu rõ dù được mở cửa trở lại nhưng tất cả các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các chỉ dẫn y tế và ít nhất 75% nhân viên phải là người Jordan.
Một số lĩnh vực vẫn phải đóng cửa, bao gồm khu vực ăn uống trong các trung tâm thương mại, trường học, rạp chiếu phim và phòng tập gym.
Tính đến ngày 3/5, Jordan đã ghi nhận tổng số 461 ca nhiễm COVID-19 và 9 ca tử vong.
Bộ trưởng Tài chính Jordan Mohammad Al Ississ cho biết do tác động của dịch bệnh, nền kinh tế nước này dự kiến giảm khoảng 3% trong năm 2020.
Theo Bộ trưởng Ississ, dịch bệnh tác động đến kinh tế, khiến thu nhập của Chính phủ Jordan trong năm tài chính tính đến tháng 4 vừa qua giảm 610 triệu dinar (860 triệu USD) so với năm trước, theo đó thâm hụt ngân sách vượt xa mức dự kiến 2,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, Bộ trưởng Al Ississ cho biết, dù khủng hoảng dịch bệnh, nước này sẽ không giảm mức chi tiêu công trong ngân sách 9,8 tỷ dinar cho năm 2020.
* Tại Nam Phi, chính phủ nước này ngày 3/5 đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại các nơi làm việc trước khi nối lại dần hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng Lao động và Việc làm Thulas Nxesi nhấn mạnh các chủ lao động cần phải tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe cho nhân viên. Nơi làm việc phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội, theo đó bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa các nhân viên. Trong trường hợp không thể thực hiện quy định này, nơi làm việc phải lập vách ngăn và người lao động phải được trang bị miễn phí thiết bị bảo hộ cá nhân.
Theo Bộ trưởng Nxesi, giãn cách xã hội phải được áp dụng ở tất cả các khu vực công cộng trong và xung quanh nơi làm việc để ngăn chặn tụ tập đông người, bao gồm không gian làm việc, căng-tin, phòng họp. Người lao động phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc và chủ lao động cũng phải yêu cầu nhân viên thực hiện quy định này. Ngoài ra, chủ lao động phải cung cấp đủ nước rửa tay và sát khuẩn các khu vực công cộng như nhà vệ sinh, tay nắm cửa... Các chủ lao động cũng phải kiểm tra sức khỏe nhân viên, nếu xuất hiện triệu chứng nhiễm cần thực hiện cách ly.
Bộ trưởng Nxesi đưa ra thông báo trên 1 ngày trước khi các doanh nghiệp ở Nam Phi nối lại hoạt động từng phần từ ngày 4/5 với khoảng 1,5 triệu người quay trở lại với công việc. Nếu chủ lao động không tuân thủ những quy địng trên doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc nặng hơn nữa có thể bị truy tố.
* Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và tập trung đông người, theo đó cho phép các nhà hàng, tiệm làm tóc, và chợ ngoài trời nối lại hoạt động kinh doanh, tuy nhiên phải thực hiện giãn cách xã hội và kiểm tra thân nhiệt.
Nhà chức trách Thái Lan cũng cho phép bán rượu trở lại sau 3 tuần cấm, song cảnh báo lệnh cấm có thể được áp đặt trở lại nếu tụ tập đông người uống rượu.