John McCain: Mỹ nên lờ tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông

Vấn đề Biển Đông một lần nữa lại tiếp tục "dậy sóng" tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington D.C. Mỹ trong những tranh luận của các nghị sĩ liên quan đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.


Thượng Nghị sĩ John McCain trò chuyện với thành viên ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ Jack Reed. Ảnh: AP


"Mỹ đang gửi đi một thông điệp gây nhiễu khi tàu của nước này không tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc", Tiến sĩ Trần Trường Thủy, giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao Việt Nam), phát biểu trong bài tham luận tại Hội nghị thường niên lần thứ 5 về vấn đề Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) diễn ra hồi tháng 7 năm nay.

Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain, trong phiên điều trần ngày 17/9, đã hối thúc Lầu Năm Góc thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ bằng việc cho phép các tàu hải quân nước này tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng trái phép để củng cố những tuyên bố chủ quyền vô lý của nước này ở Biển Đông.

Theo vị Thượng nghị sĩ của bang Arizona, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Mỹ cần tiến vào vùng giới hạn 12 hải lý để tỏ rõ nước này không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo nhân tạo trên.

Tại phiên điều trần của ủy ban trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra ngày 25/9, Thượng Nghị sĩ John McCain nói: “Sai lầm nghiêm trọng này trên thực tế trao cho Trung Quốc sự công nhận những tuyên bố chủ quyền với các đảo nhân tạo”.

Ông McCain cũng nhắc đến việc vừa qua, Trung Quốc đã cho phép tàu hải quân của nước này tiến vào vùng 12 hải lý của đảo Aleutian khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm đến tiểu bang Alaska. Trên thực tế, hành động này của Trung Quốc không vi phạm luật quốc tế, và ông McCain cho rằng Mỹ cũng nên khẳng định quyền hàng hải của nước này “một cách tương tự”.

Đô đốc Harry Harris Jr. bước qua tấm ảnh chụp đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AP

Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương David Shear, tàu Mỹ chưa hề tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo kể trên kể từ năm 2012. Còn Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay nước này cũng chưa thực hiện bất kì chuyến bay trực tiếp nào trên bất kì hòn đảo hay vùng lãnh thổ được Trung Quốc cải tạo trong thời gian gần đây.

Cũng tại phiên điều trần, các Thượng Nghị sĩ đã chất vấn về việc liệu Lầu Năm Góc đã xin phép Nhà Trắng về việc tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trên hay chưa, và câu trả lời của Nhà Trắng là gì.

Cho biết đang chờ chỉ đạo từ các cấp cao hơn, Đô đốc Harris nói thêm: “Tôi tin rằng chúng ta nên được phép thực hiện tự do hàng hải cũng như các chuyến bay ở Biển Đông trên các hòn đảo trên”.

Về phần Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shear, dù từ chối đề cập đến những vấn đề đang được thảo luận giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, ông cho hay việc thực hiện tự do hàng hải quanh các hòn đảo trên chỉ là một phương án. Ông cho rằng “chỉ mỗi việc tự do hàng hải sẽ không ngăn được” những hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cải tạo khoảng 12.000 km2 ở Biển Đông bất chấp những phản đối từ cộng đồng quốc tế, Mỹ và đồng minh cũng như các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa bang Alaska ông Dan Sullivan đã viện dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 16/9 rằng Mỹ sẽ không bị ngăn cản trong việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.

“Có một sự thật không nên nhầm lẫn ở đây: Mỹ sẽ thực hiện các chuyến bay, di chuyển tàu và hiện diện ở bất kì nơi nào luật quốc tế cho phép, theo cách lực lượng Mỹ thực hiện trên toàn thế giới. Xét cho cùng, bản thân việc biến một bãi đá chìm thành một sân bay không thể mang lại các quyền chủ quyền hay cho phép những hạn chế về không phận quốc tế hay trung chuyển đại dương”.

Thượng Nghị sĩ Sullivan cho rằng, với việc cho phép năm tàu chiến vào Biển Bering gần Alaska ở thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm bang này, Trung Quốc đang cố tình khiêu khích Mỹ. Thể hiện một quan điểm cứng rắn, ông nói: “Tôi không dám chắc là chính quyền này có nhận ra sự khiêu khích ngay cả khi bị vả vào mặt hay không”.

Không đồng ý với ý kiến này, Đô đốc Harry Harris nói: “Theo quan điểm của tôi, họ tiến vào Biển Bering để thể hiện năng lực hiện diện ở vùng cực Bắc. Họ đang có cuộc tập trận với Nga vào thời điểm đó, tôi nghĩ cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu và sau đó họ quyết định tiến vào Biển Bering… Dù cho rằng đây là chuyện trùng hợp, song tôi không cầm chắc là có đúng như vậy hay không”.

Anh Minh (Theo Marine Times)
Tư lệnh Mỹ quan ngại việc Trung Quốc xây ba đường băng ở Biển Đông
Tư lệnh Mỹ quan ngại việc Trung Quốc xây ba đường băng ở Biển Đông

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng ít nhất 3 đường băng trên các đảo mà nước này đang cải tạo ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN