Khoản chi của EU có tổng giá trị 191,5 tỷ euro, trong đó có 68,9 tỷ euro tiền trợ cấp và 122,6 tỷ euro cho vay trong 6 năm. Các nguồn tin đánh giá rằng những khoản hỗ trợ tài chính trên có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy tăng tổng cộng 4%, nếu các khoản tiền được giải ngân kịp thời và hiệu quả, trong khi những cải cách cơ cấu được thực hiện đồng thời.
Sáu ưu tiên của Rome
Các nguồn tin cho biết, trong tổng số tiền mà Italy nhận từ EU, 144 tỷ euro sẽ tài trợ cho các dự án mới, trong khi số tiền còn lại được dành cho các dự án hiện có, đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.
Kế hoạch của Rome, phác thảo cách thức và lĩnh vực mà Italy sẽ chi số tiền hỗ trợ của EU từ năm 2021 đến năm 2026, tập trung vào 6 nhiệm vụ chính.
Cốt lõi của kế hoạch trên là dự án cách mạng xanh và chuyển đổi sinh thái. Một Bộ mới đã được thành lập trong năm nay với nguồn kinh phí được cấp là 69 tỷ euro, chủ yếu nhằm thúc đẩy việc tái chế chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của cơ quan công như bệnh viện và trường học, bên cạnh nghiên cứu sử dụng hydro làm nguồn năng lượng thay thế.
Khoảng 49 tỷ euro khác sẽ được dành chi cho cuộc cách mạng kỹ thuật số của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính công và ngành du lịch. Một quan chức chính phủ Italy nhấn mạnh không thể chấp nhận việc ngày nay vẫn còn nhiều khu vực rộng lớn của đất nước, ngay cả ở các thành phố lớn như Rome, thiếu Internet tốc độ cao.
Mục tiêu của Rome là tất cả người dân đều được kết nối Internet vào năm 2026, đưa mạng băng thông rộng cực nhanh đến 8 triệu gia đình và doanh nghiệp.
Khoảng 31 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các cơ sở hạ tầng chiến lược để đảm bảo giao thông bền vững, bao gồm việc mở rộng đường sắt tốc độ cao, bảo trì đường bộ và các cảng biển, tăng cường các hoạt động giao thông thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, 32 tỷ euro khác sẽ dành cho giáo dục và nghiên cứu, 22 tỷ euro được dành cho hòa nhập và gắn kết xã hội (hiện đại hóa thị trường lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ và người khuyết tật lãnh đạo), cùng khoảng 18 tỷ euro vào đầu tư chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả y tế từ xa.
Những thách thức
Các nguồn tin chính phủ Italy cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ liên tục theo dõi tiến độ thực hiện các khoản đầu tư quan trọng của kế hoạch, coi "trách nhiệm giải trình" là một vấn đề quan trọng. Brussels sẽ giải ngân từng bước một sau khi các mục tiêu đã đạt được và các cải cách cơ cấu được thực hiện, bao gồm một hệ thống hành chính và tư pháp công hiệu quả hơn, cũng như một cuộc đại tu hệ thống thuế.
Họ nói thêm rằng nguy cơ tội phạm có tổ chức xâm nhập vào các cuộc đấu thầu công vẫn cao, bất chấp các quy định mới nhằm tăng cường tính minh bạch. Một nghị sỹ Italy yêu cầu giấu tên chia sẻ: "Trên hết, liệu chúng ta có thực sự có thể nhanh chóng sử dụng hết số tiền này không? Trong những năm qua, Italy luôn bị buộc phải nộp lại một phần lớn tiền quỹ liên kết của EU vì không đáp ứng được thời hạn”.
Một vấn đề khác là tuổi thọ của nội các hiện tại, tồn tại lâu nhất là đến cuộc tổng tuyển cử năm 2023, không trùng với kế hoạch khôi phục, kéo dài đến năm 2026.