Phát biểu với báo giới, ông Stefano Coter, người đứng đầu lực lượng cứu hộ địa phương và là một trong những người đầu tiên đến hiện trường nói: "Khi chúng tôi đến nơi, chúng tôi đã thấy quy mô thảm họa của trận lở băng khổng lồ này. Chúng tôi tìm thấy những người bị thương cần được giúp đỡ và những người khác đã tử vong".
Nicola Casagli, một nhà địa chất học và chuyên gia về lở tuyết tại Đại học Florence, nói rằng tác động của một trận lở băng có sức tàn phá khủng khiếp hơn một trận lở tuyết. Ông nói: “Các trận lở băng, gồm các khối băng và mảnh vụn, là những hiện tượng bất ngờ, nhanh chóng, không thể đoán trước, đạt tốc độ rất cao và liên quan đến khối lượng lớn. Và người ta không có cơ hội để đến nơi an toàn hoặc nhận thức trước vấn đề".
Lực lượng cứu hộ Italy đã sử dụng máy bay không người lái, máy bay trực thăng và tín hiệu điện thoại di động để xác định thêm vị trí của các nạn nhân. Khu vực này trước mắt vẫn đóng cửa với khách du lịch trong suốt thời gian hoạt động cứu hộ và phục hồi.
Trận lở băng xảy ra trên sườn núi Marmolada, đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Dolomites, một phần của dãy Alps với độ cao hơn 3.300 mét của Italy, gần làng Punta Rocca, trên tuyến đường leo núi thông thường. Thảm họa này xảy ra một ngày sau khi cơ quan khí tượng ghi nhận mốc nhiệt cao kỷ lục 10 độ C tại đỉnh núi băng trên.
Theo ông Renato Colucci, chuyên gia về sông băng, nhiệt độ ấm áp gần đây đã tạo ra một lượng lớn nước từ băng tan chảy tích tụ dưới đáy khối băng, khiến nó sụp đổ. Ông Massimo Frezzotti, Giáo sư khoa học tại Đại học Roma Tre, cũng cho rằng nguyên nhân gây ra vụ lở băng là do thời tiết ấm bất thường, liên quan đến sự nóng lên của Trái Đất, với lượng mưa giảm 40-50% trong mùa Đông khô hạn.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hồi tháng 3, băng và tuyết tan là một trong 10 mối đe dọa lớn gây ra bởi sự ấm lên của Trái Đất, phá vỡ hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng.