Thông tin này được đưa ra sau khi Thủ tướng Giorgia Meloni có chuyến thăm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Florida và làm dấy lên nhiều suy đoán về mối quan hệ giữa hai bên.
Trong khi đó, ông Elon Musk đăng trên nền tảng X bày tỏ sẵn sàng cung cấp cho Italy hệ thống kết nối an toàn và hiện đại. Ông Andrea Stroppa - đại diện của tỷ phú Musk tại Italy, cho rằng thỏa thuận này có thể giúp nước này tiết kiệm hơn 8 tỷ euro và triển khai nhanh chóng trong vài tháng thay vì mất từ 8 đến 10 năm như các giải pháp khác.
Văn phòng Thủ tướng Italy phủ nhận bất kỳ hợp đồng nào đã được ký kết với SpaceX nhưng xác nhận rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra như một phần của quá trình trao đổi thông thường giữa chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp viễn thông bảo mật. Bà Meloni bác bỏ thông tin cho rằng bà đã thảo luận về SpaceX với ông Trump, đồng thời gọi các tuyên bố này là vô lý.
Theo Bloomberg, hợp đồng với SpaceX sẽ có thời hạn 5 năm và đã được các cơ quan tình báo cùng Bộ Quốc phòng Italy phê duyệt. Nếu được thực hiện, SpaceX sẽ cung cấp dịch vụ mã hóa cho hệ thống thông tin liên lạc của chính phủ và quân đội Italy. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ nhiều chính trị gia trong nước và quan chức châu Âu.
Thượng nghị sĩ Antonio Misiani của Đảng Dân chủ đối lập bày tỏ lo ngại rằng nếu thỏa thuận được thông qua, điều này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền công nghệ của Italy. Ông cho rằng chính phủ nên cân nhắc ưu tiên các doanh nghiệp trong nước và châu Âu thay vì phụ thuộc vào một công ty tư nhân nước ngoài do một cá nhân có quan điểm chính trị gây nhiều tranh luận điều hành.
Ủy ban châu Âu khẳng định họ chưa nhận được thông báo chính thức từ chính quyền Rome nhưng thừa nhận rằng Italy có quyền tự quyết trong việc ký kết các thỏa thuận viễn thông. Tuy nhiên, khả năng Italy hợp tác với SpaceX có thể tác động đến dự án IRIS2 - một hệ thống vệ tinh an ninh mạng của EU, với trị giá 10,6 tỷ euro, dự kiến sẽ hoạt động sau năm 2030. Trong bối cảnh này, chính phủ Italy cũng đang đầu tư vào các dự án viễn thông quân sự nội địa, bao gồm kế hoạch ủy quyền cho tập đoàn Leonardo phát triển một hệ thống lưu trữ đám mây trên không gian với mức đầu tư hàng tỷ euro.
Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại về khả năng Italy phụ thuộc vào công nghệ của SpaceX, cho rằng điều này có thể đặt ra thách thức đối với an ninh viễn thông. Nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Alexandra Geese nhận định rằng thỏa thuận này có thể làm gia tăng mức độ ảnh hưởng của một công ty tư nhân đối với hệ thống thông tin liên lạc chiến lược của Italy. Đồng sáng lập giao thức truyền thông an toàn Matrix, ông Matthew Hodgson cho rằng nếu dịch vụ của SpaceX gặp sự cố hoặc bị gián đoạn, Italy có thể đối mặt với khó khăn trong việc duy trì liên lạc với các đối tác quốc tế.
SpaceX hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về các ý kiến liên quan đến thỏa thuận. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Italy và công ty của Elon Musk vẫn tiếp tục, với những đánh giá khác nhau về tác động của thỏa thuận đối với an ninh quốc gia và định hướng viễn thông của châu Âu.