Ít nhất 5 người tử vong, 4 người mất tích do bão Boris ở Trung và Đông Âu

Nhà chức trách các nước ở Trung và Đông Âu ngày 15/9 thông báo ít nhất 5 người đã thiệt mạng ở Ba Lan và Romania khi cơn bão Boris quần thảo khu vực này với những trận mưa như trút nước và lũ lụt.

Chú thích ảnh
Nước sông Biala Ladecka dâng cao do mưa lớn, tràn vào thị trấn Ladek-Zdroj, miền Tây Nam Ba Lan ngày 14/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Kể từ ngày 12/9, gió lớn và mưa lũ bất thường tấn công nhiều vùng của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Slovakia. Cơn bão đã khiến 4 người ở Romania thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán trên khắp lục địa.

Phát biểu với báo giới vào sáng 15/9, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do đuối nước tại khu vực Klodzko giáp giới với Cộng hòa Séc.

Thủ tướng Tusk đang thị sát khu vực Tây Nam đất nước, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Khoảng 1.600 người đã được sơ tán ở Klodzko. Chính phủ Ba Lan đã huy động quân đội để hỗ trợ lính cứu hỏa tại địa phương.

Hôm 14/9, Ba Lan đã đóng cửa khẩu biên giới Golkowice với Cộng hòa Séc sau khi một con sông tràn bờ, đồng thời phong tỏa một số tuyến đường và tạm dừng các chuyến tàu nối 2 thành phố Prudnik và Nysa.

Tại Cộng hòa Séc, cảnh sát cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm 4 người mất tích, bao gồm 3 người bên trong chiếc ô tô bị cuốn xuống sông ở thành phố Lipova-Lazne, Đông Bắc nước này, và một người đàn ông khác bị lũ cuốn trôi ở khu vực Đông Nam. Trong khi đó, một con đập ở miền Nam Cộng hòa Séc đã bị vỡ, gây ngập lụt các thị trấn và làng mạc ở hạ lưu.

Trước đó, ngày 14/9, giới chức Romania cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 5.000 ngôi nhà bị hư hại trong trận lụt ở Đông Nam nước này. Cơ quan cứu hộ sở tại đã công bố một đoạn video cho thấy những ngôi nhà bị ngập lụt ở một ngôi làng bên sông Danube. Hàng trăm người đã được giải cứu ở 19 vùng của Romania.

Tại Áo, một số khu vực ở vùng Đông Bắc đã được tuyên bố là khu vực thiên tai. Một số khu vực của bang Tyrol chứng kiến lượng tuyết rơi dày tới 1m - một hiện tượng bất thường vào giữa tháng 9, sau khi nhiệt độ lên tới 30 độ C vào tuần trước. Các dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ ở khu vực miền Đông nước này vào sáng sớm 15/9, trong khi một số tuyến tàu điện ngầm cũng bị đóng cửa tại thủ đô Vienna, nơi sông Wien đang có nguy cơ tràn bờ.

Nước láng giềng Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bratislava.

Dự báo mưa lớn sẽ tiếp diễn cho đến ít nhất là ngày 16/9 tại Cộng hòa Séc và Ba Lan.

Phan An (TTXVN)
Trung Quốc gấp rút chuẩn bị đề phòng khi bão Bebinca đến gần
Trung Quốc gấp rút chuẩn bị đề phòng khi bão Bebinca đến gần

Chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó với mưa lớn khi bão Bebinca tiến gần đến bờ biển phía Đông của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN