Trên mạng xã hội X, người phát ngôn quân đội Israel, ông Avichay Adraee nêu rõ vì sự an toàn, người dân ở những khu vực trên cần sơ tán ngay lập tức đến phía Bắc sông Awali, cách biên giới phía Bắc Israel khoảng 60 km. Thông báo này cũng đề cập đến người dân ở thành phố Nabatiyeh ở miền Nam Liban.
Trước đó, ngày 30/9, IDF đã kêu gọi người dân ở ba khu vực phía Nam Beirut sơ tán, trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Liban. Theo tuyên bố của IDF, chiến dịch này nhắm vào các vị trí của Hezbollah tại các làng gần biên giới, được xem là mối đe dọa đối với cộng đồng dân cư ở phía Bắc Israel.
Trong khi đó, lực lượng Hezbollah ở Liban cùng ngày cho biết đã đẩy lùi được nỗ lực của quân đội Israel nhằm tiến vào một địa điểm biên giới ở miền Nam Liban.
Liên quan đến xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza, cùng ngày, quân đội Israel thông báo một nhân vật cấp cao của phong trào Hamas là Rawhi Mushtaha đã bị thiệt mạng.
Thông báo trên mạng xã hội Telegram của IDF nêu rõ, trong cuộc không kích chung do IDF và Cơ quan an ninh nội địa Israel (ISA) phối hợp thực hiện cách đây ba tháng ở Dải Gaza, nhiều thành viên cấp cao của Hamas đã thiệt mạng, trong đó có Rawhi Mushtaha.
Hiện tại, Hamas vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trong bối cảnh tình hình Trung Đông đang nóng lên từng ngày, nhiều nước đang khẩn trương triển khai kế hoạch sơ tán công dân của mình rời khỏi Liban. Bộ trưởng Bộ tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga Alexander Kurenkov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị công tác sơ tán, theo đó hoạt động này đã bắt đầu được triển khai và một chuyến bay đặc biệt đã đưa các thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Nga tời khỏi Beirut vào ngày 3/10.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn nguồn tin cho biết khoảng 3.000 công dân của Nga và các quốc gia khác thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã bày tỏ mong muốn rời khỏi Liban.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 3/10 cũng đã chỉ thị cần lập tức thực hiện công tác sơ tán công dân nước này khỏi Liban trong bối cảnh các cuộc tấn công leo thang từ Israel. Ông Widodo nêu rõ: "Tôi đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hành động, ưu tiên sự an toàn và bảo vệ công dân của chúng tôi và tiến hành sơ tán càng nhanh càng tốt".
Trong diễn biến liên quan đến căng thẳng tại Trung Đông, Tổ chức hàng không dân dụng Iran (CAO) cho biết nước này đã nối lại các chuyến bay đến và đi từ Iran kể từ sáng 3/10 theo giờ địa phương, sau khi đánh giá những điều kiện đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Người phát ngôn của CAO, ông Jafar Yazarlou cho biết, các hãng hàng không được phép nối lại hoạt động bay từ 5h00 sáng 3/10 theo giờ địa phương, tức 8h30 sáng cùng ngày giờ Việt Nam.
Trước đó, Iran đã tạm ngừng hoạt động bay đến và đi từ nước này sau vụ phóng loạt tên lửa về phía lãnh thổ Israel vào tối 1/10, khẳng định đây là hành động nằm trong khuôn khổ quyền tự vệ hợp pháp của Iran và dựa trên luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Israel coi đây là hành động sai lầm.
Tình hình Trung Đông cũng đang tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 3/10 cảnh báo tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể khiến giá dầu tăng mạnh. Ông Borrell đưa ra nhận định như vậy khi phát biểu trên truyền hình, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang hơn nữa. Theo quan chức này, giá dầu tăng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.