Phản ứng về lời cam kết trên, ngày 28/10, Bộ trưởng Truyền thông Israel Shlomo Kahri tuyên bố Tel Aviv sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại kế hoạch cấp quyền truy cập Internet Starlink tại Gaza của Giám đốc điều hành tập đoàn SpaceX.
Ông Kahri cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas có thể sử dụng mạng kết nối này cho “các hoạt động khủng bố”.
Đáp lại, tỷ phú công nghệ Mỹ khẳng định ông đã cân nhắc kỹ về vấn đề này, đồng thời hứa sẽ kiểm tra an ninh với cả chính phủ Mỹ và Israel trước khi bật thiết bị. Ông Musk cho biết tập đoàn này sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt để xác định nó chỉ được sử dụng vì mục đích nhân đạo thuần túy.
Trước đó cùng ngày, Elon Musk nói rằng ông sẽ mở mạng vệ tinh Starlink cho các tổ chức viện trợ được quốc tế công nhận làm việc tại Gaza, sau khi làn sóng không kích của Israel cắt đứt kết nối Internet và điện thoại của khu vực này với thế giới bên ngoài.
Dịch vụ Internet và điện thoại di động đã ngừng hoạt động ở Gaza vào tối 27/10 vì xung đột leo thang. Việc mất kết nối thông tin khiến các hãng tin và nhiều nhóm viện trợ không thể liên lạc với đồng nghiệp của họ. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đều báo cáo về việc không thể liên lạc với nhân viên tại Dải Gaza.
Kế hoạch trên của ông Elon Musk sẽ đánh dấu lần thứ hai ông triển khai vệ tinh Starlink đến vùng chiến sự. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông trùm công nghệ này đã cung cấp cho Kiev các thiết bị vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, ông đã cấm quân đội Ukraine sử dụng mạng lưới này để chỉ dẫn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các tàu Nga ở Biển Đen.