Xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang sau khi hội nghị hoà bình thất bại
Trong tuần qua, cuộc giao tranh đang diễn ra giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine ở biên giới Dải Gaza khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã chứng kiến nhiều diễn biến leo thang nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Gaza do Ai Cập tổ chức ngày 21/10 kết thúc mà không đưa ra được giải pháp. Nguyên nhân dẫn đến việc hội nghị kết thúc mà không đạt được đột phá được cho là xuất phát từ sự khác biệt quan điểm của các bên liên quan.
Báo Al-Quds của Palestine dẫn tuyên bố của Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, cho biết đêm 27/10, lực lượng bộ binh của IDF đã mở rộng hoạt động và thực hiện các cuộc tấn công trên bộ kéo dài vài ngày trước đó.
Tại Gaza, các nhân chứng nói rằng các cuộc bắn phá dữ dội của Israel vẫn đang diễn ra, trong khi truyền thông địa phương đưa tin các tay súng Palestine đã bắn hàng loạt rocket vào xe tăng Israel được triển khai dọc biên giới.
Theo hãng thông tấn Tass của Nga, lực lượng IDF tuyên bố đã tiêu diệt người đứng đầu lực lượng không quân Hamas, Asem Abu Rakaba, người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công phòng không và máy bay không người lái.
Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết đầu tiên kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát, kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo. Dù không mang tính ràng buộc pháp lý song nghị quyết là bước đi mang tính biểu tượng, thể hiện nỗ lực của LHQ và các nước thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng cũng như lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo người dân Gaza đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiếu lương thực, nước và điện khi xung đột leo thang.
TTK Guterres nhấn mạnh với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có sự thay đổi cơ bản và ngay lập tức về cách thức vận chuyển hàng viện trợ, LHQ sẽ không thể tiếp tục đưa hàng cứu trợ vào bên trong Gaza và người dân khu vực sẽ phải đối mặt với một loạt đau khổ chưa từng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cần gấp khoảng 80 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo ở Bờ Tây và Gaza.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), xung đột đã khiến hơn 1,4 triệu người tại Dải Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa. Cho đến nay, WHO đã nhận được báo cáo về 7.045 người thiệt mạng bên phía Palestine, trong đó gần 50% là trẻ em và 80.842 người bị thương. Trong khi đó, phía Israel cho biết các cuộc tấn công của Hamas từ hôm 7/10 đã làm hơn 1.400 người ở Israel thiệt mạng.
Ngoại trưởng Trung Quốc tới Mỹ
Từ ngày 26/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Mỹ. Đây được đánh giá là động thái mới nhất của Washington và Bắc Kinh nhằm duy trì các cuộc đàm phán cấp cao trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng.
Theo một thông báo ngắn gọn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng mục tiêu chuyến thăm Mỹ lần này của ông là giúp ngăn chặn sự suy giảm trong quan hệ Mỹ-Trung và "hướng về San Francisco", mà không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.
Về phần mình, trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 27/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với ông Vương Nghị rằng Washington và Bắc Kinh phải “kiểm soát cạnh tranh trong mối quan hệ một cách có trách nhiệm và duy trì đường dây liên lạc mở”.
Theo Điều phối viên về truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, Tổng thống Biden vẫn hy vọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tương lai gần, song từ chối cho biết liệu hai nhà lãnh đạo có đạt được thỏa thuận gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới tại San Francisco, bang California hay không.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên ngày 27/10 cho biết Washington và Bắc Kinh đã nhất trí trên nguyên tắc về tổ chức một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo song vẫn chưa thống nhất thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm và các vấn đề hậu cần liên quan khác.
Hạ viện Mỹ có tân Chủ tịch
Rạng sáng 26/10 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bầu Hạ nghị sĩ Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa, đại diện của bang Louisiana, làm Chủ tịch Hạ viện, chấm dứt cuộc khủng hoảng “tê liệt” hoạt động của cơ quan lập pháp kéo dài 22 ngày qua và mở ra triển vọng để Quốc hội Mỹ giải quyết các vấn đề cấp thiết như dự luật cấp ngân sách cho chính phủ, phê duyệt viện trợ cho Ukraine, Israel…
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, ứng cử viên Johnson được 220 phiếu ủng hộ - vượt qua ngưỡng cần thiết 217 phiếu để đắc cử Chủ tịch Hạ viện. Sau ba tuần bế tắc trong việc bầu chọn lãnh đạo Hạ viện với 4 ứng cử viên cho vị trí này, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã mệt mỏi. Đây là một yếu tố rất có thể đã góp phần khiến các nhà lập pháp “Đảng Con voi” nhất trí ủng hộ Johnson, điều cực kỳ hiếm gặp đối với một hội nghị đầy tranh cãi.
Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Johnson đã tuyên bố bắt tay ngay vào việc và đưa Hạ viện hoạt động trở lại cùng lịch trình cụ thể. Ông Johnson đã đặt ra một lịch trình lập pháp dự kiến để phê duyệt các khoản chi tiêu mới và xem xét các dự luật khác. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng khi ông đối mặt với thực tế điều hành Hạ viện, nhất là do bản chất nhiều phe phái trong đảng Cộng hòa.
Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức giữa làn sóng xung đột
Trong hai ngày 26 và 27/10, tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề nóng của khối, bao gồm căng thẳng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga-Ukraine, nỗ lực hỗ trợ cho Kiev, cũng như các vấn đề kinh tế, di cư và an ninh, quốc phòng của EU.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi ngừng bắn để cho phép viện trợ vào Gaza qua các hành lang nhân đạo. Trong khi đó, liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu đã xác nhận cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) và Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của EU, cũng như những hỗ trợ song phương của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Hungary và Slovakia đã miễn cưỡng phê duyệt dự thảo ngân sách của liên minh cho năm 2024, trong đó bao gồm các cam kết tài chính mới cho Ukraine.
Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất bổ sung thêm 66 tỷ euro vào ngân sách EU giai đoạn 2024-2027, phần lớn trong số đó sẽ được sử dụng cho các sáng kiến tiếp nhận người di cư cũng như hỗ trợ Ukraine trong 4 năm tới. Ngay lập tức, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố rằng Budapest sẽ tiếp tục ngăn chặn việc phân bổ kinh phí bổ sung từ ngân sách EU cho Ukraine đến khi nào nước này thấy có lý lẽ chính đáng rõ ràng. Ông nêu rõ không có lý do gì để Hungary phải gửi tiền của thuế của người dân sang hỗ trợ Ukraine.