Phát biểu họp báo, Thủ tướng Netanyahu cho biết, nếu vaccine của Pfizer được cấp phép tại Israel và Mỹ, nước này sẽ tiến hành tiêm lô vaccine đầu tiên cho người dân trong tháng 1/2021.
Vaccine COVID-19 của Pfizer phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển sử dụng công nghệ dựa trên mRNA, một loại vật chất di truyền chưa từng được sử dụng để sản xuất vaccine. Đây cũng là 1 trong 9 vaccine tiềm năng đã bước vào các thử nghiệm trên người giai đoạn cuối, với hàng nghìn người tham gia. Các kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine này có hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng của COVID-19 lên tới 90% và không gây ra tác dụng phụ. Hiện các quốc gia phát triển trên thế giới đang gấp rút đặt mua hàng chục triệu liều vaccine này.
Israel là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông. Tỷ lệ mắc COVID-19 trên tổng số dân nước này đã lên mức cao nhất thế giới vào tháng 9 vừa qua, buộc chính phủ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Tính đến nay, Israel ghi nhận trên 320.000 ca mắc COVID-19 trong tổng số 9 triệu dân, trong đó 2.707 người đã không qua khỏi.
Cùng ngày, cơ quan quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ cho biết nước này đang bắt đầu tiến trình rà soát sớm đối với loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna để có thể nhanh chóng cấp phép lưu hành. Hiện Swissmedic cũng đang trong tiến trình đánh giá tương tự đối với các loại vaccine COVID-19 tiềm năng của các hãng dược phẩm khác như AstraZeneca, Pfizer và BioNTech.
Trước đó, trong tuần này, hãng Moderna của Mỹ thông báo đã có đủ dữ liệu để thực hiện đợt phân tích, đánh giá đầu tiên về hiệu quả của vaccine COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của hãng. Thông tin này làm dấy lên hy vọng rằng các kết quả sơ bộ sẽ sớm được công bố.
Thụy Sĩ đã dành 437 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19 và dự trữ tổng cộng 16 triệu liều vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Số ca mắc COVID-19 trên toàn Thụy Sĩ hiện là trên 257.000 ca, trong đó có 3.280 ca tử vong.