Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Ireland Michel Martin cho biết phải đến ngày 20/7, nước này mới có thể công bố sanh sách trên do tình hình dịch bệnh hoàn toàn có thể thay đổi. Các căn cứ xem xét bao gồm số ca mắc mới trong vòng 14 ngày/100.000 dân, xu hướng dịch bệnh gia tăng hay được kiềm chế và chất lượng rà soát và xét nghiệm có tương đương với quốc gia này hay không. Chính phủ cũng sẽ siết chặt các quy định yêu cầu khách du lịch cung cấp địa điểm nơi họ thực hiện tự cách ly, hoàn thiện hệ thống điện tử thu thập dữ liệu khách hàng từ các công ty vận hành sân bay và tàu phà.
Được cho là quốc gia thận trọng hơn hầu hết các nước châu Âu trong việc triển khai mở cửa trở lại, từ tháng Ba, Ireland đã khuyến cáo người dân hạn chế những hoạt động đi lại không cần thiết và yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh tự cách ly trong 14 ngày sau khi đến. Chính phủ tiền nhiệm cam kết công bố danh sách các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh tương đương hoặc thấp hơn quốc gia này sẽ được ngoại lệ quy định cách ly. Tuy nhiên, chính phủ mới đã trì hoãn kế hoạch này do ngày càng nhiều cảnh báo từ các chuyên gia y tế về tình hình dịch bệnh khó lường trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Thủ tướng Martin mới đây cũng cảnh báo nước này có thể hoãn kế hoạch mở cửa toàn bộ các quán rượu trên cả nước sau khi xuất hiện những hình ảnh các đám đông chen lấn bên ngoài một số quán bar trong tuần qua. Phát biểu trên sóng phát thanh Cork's 96FM, Thủ tướng Martin cho biết chính phủ đang tham vấn các quan chức y tế cộng đồng về vấn đề này. Ông cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức và chủ động tham gia phòng dịch.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đám đông người xếp hàng bên ngoài một quán bar ở thủ đô Dublin mà không tuân thủ các quy định giãn cách. Giới chức cảnh báo hiện Ireland đang trong trạng thái phòng dịch rất tốt, hơn hẳn các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà ý thức của người dân sẽ đưa đất nước tới một ngã rẽ khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Trong khi đó, tại Đức, nhà chức trách đang tiến hành điều tra hàng nghìn vụ việc lừa đảo liên quan tới những khoản tiền cứu trợ mà chính phủ dành cho các doanh nghiệp và chủ kinh doanh khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các nhà điều tra đã phát hiện nhiều trang web giả mạo, thư điện tử lừa đảo và những thông tin không có thật để kiếm lời từ gói hỗ trợ tài chính của chính phủ. Hãng tin Đức DPA cho biết giới chức nước này đang điều tra ít nhất 5.100 trường hợp nghi ngờ gian lận trợ cấp, rửa tiền, giả mạo thông tin và đánh cắp dữ liệu liên quan việc nhận tiền cứu trợ trong dịch bệnh. Hiện các bang ở Đức chưa có con số cụ thể về số vụ gian lận cũng như số tiền bị gian lận khi điều tra chưa kết thúc. Tuy nhiên, nguồn tin báo chí cho biết số tiền bị thất thoát có thể lên tới 22 triệu euro trên toàn 16 bang ở Đức.
Đức là một trong số nước châu Âu đầu tiên tung gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch bệnh, vốn đẩy nền kinh tế đầu tàu châu Âu vào cuộc suy giảm tồi tệ nhất sau chiến tranh. Tại Đức, các bang có những tiêu chí và điều kiện khác nhau để giải ngân khoản cứu trợ và thường thủ tục được cấp xét rất đơn giản và nhanh chóng theo phương châm giải ngân càng sớm càng tốt để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp gặp khó khăn. Đây chính là điểm đã bị các đối tượng tội phạm khai thác để trục lợi. Bang Nordrhein-Westfalen từng phải ngừng chương trình giải ngân trong một tuần do phát hiện thất thoát hàng trăm nghìn euro.