Quân đội Iraq tại ngoại ô thành phố Kirkuk, ngày 28/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Nguồn tin an ninh địa phương cho biết, hàng chục tay súng IS cùng nhiều phần tử đánh bom liều chết đã sử dụng súng cối tấn công vào các chốt kiểm soát tại hai làng Al-Hessi và Albu Aasi ở thị trấn Ameriyat al-Fallujah do quân đội chính phủ kiểm soát, nằm cách thủ đô Baghdad 40km về phía Tây, khiến 2 binh sĩ thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Sau nhiều giờ giao tranh, lực lượng an ninh và dân phòng bộ lạc địa phương đã tiêu diệt 11 tay súng phiến quân - trong đó có 3 phần tử đánh bom liều chết, buộc IS phải tháo chạy.
Trong vụ tấn công thứ hai, một phần tử đánh bom liều chết đã lái chiếc ô tô chứa chất nổ đâm thẳng vào chốt kiểm soát an ninh ở khu vực Zankoura, Tây Bắc Ramadi, khiến 8 binh sĩ thiệt mạng và 14 người bị thương, phá hủy 5 phương tiện di chuyển của quân đội.
Các vụ tấn công trên diễn ra sau khi lực lượng an ninh đánh đuổi các tay súng IS khỏi Zankoura và giành lại quyền kiểm soát khu vực này một tuần trước đây.
Các lực lượng an ninh Iraq đang tiến hành chiến dịch nhằm giành lại kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc và miền Tây nước này bị IS chiếm giữ từ tháng 6/2014. Hiện an ninh đã được khôi phục tại thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar - tỉnh lớn nhất Iraq, giáp giới với Syria, Jordan và Saudi Arabiam, trong khi quân đội Iraq đang khép chặt vòng vây quanh các thành trì còn lại của IS tại tỉnh Anbar, đồng thời chuẩn bị một cuộc tiến công lớn hướng tới giải phóng Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq nằm ở miền Bắc nước này.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, chỉ tính riêng từ ngày 11/3 đến nay, chiến dịch quân sự tại Anbar đã khiến 35.000 người bị mất nhà ở. LHQ và các tổ chức đối tác đã kêu gọi khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 861 triệu USD cho người dân Iraq trong năm 2016, song cho đến nay mới chỉ nhận được 74 triệu USD.
Hạ viện Mỹ tuyên bố IS phạm tội diệt chủng Trong một bước đi nhằm lên án những hành động dã man của IS Syria và Iraq, ngày 14/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật chính thức coi những vụ tấn công của IS nhằm vào các nhóm sắc tộc và cộng đồng thiểu số là hành động phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết dự luật trên đã dễ dàng được thông qua với số phiếu ủng hộ tuyệt đối 393 phiếu và không có phiếu chống, nhằm bày tỏ quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ trước những tội ác dã man như tra tấn và sát hại bằng hình thức chặt đầu mà nhóm IS đã thực hiện nhằm vào cộng đồng người Cơ đốc giáo, người Yazidi cũng như các nhóm sắc tộc và cộng đồng thiểu số khác.
Theo văn bản nói trên, Hạ viện Mỹ cáo buộc IS phạm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Dự luật kêu gọi tất cả chính phủ các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ) có hành động tương tự đối với tổ chức cực đoan đang chiếm giữ các khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Iraq và Syria này. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jeff Fortenberry, tác giả của dự luật, cho rằng “văn kiện này góp phần đánh thức cộng đồng quốc tế và khiến thế giới phải hành động. IS là một mối đe dọa của nhân loại”.
Cùng ngày, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết phản đối điều mà họ cho là Chính phủ Syria có hành động bạo lực nhằm vào chính người dân nước này. Văn bản đề nghị Tổng thống Barack Obama chỉ đạo cho Đại sứ Mỹ tại LHQ thúc đẩy nỗ lực thành lập một tòa án xét xử tội ác chiến tranh ở Syria.
Giới phân tích cho rằng bước đi nói trên của Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát nhằm gia tăng áp lực để buộc chính quyền Tổng thống Obama và các đồng minh quốc tế phải tăng cường chiến dịch quân sự tiêu diệt IS và dành ưu tiên cho việc tái định cư người tị nạn từ Iraq và Syria. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest tháng trước cho biết đang có các cuộc thảo luận về việc liệu có chính thức coi hành động bạo lực của IS là tội diệt chủng hay không.