Iran vừa tiến hành xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 225 km nối Gilan-e Gharb, thủ phủ tỉnh Kermanshah ở phía Tây nước này, với thủ đô Baghdad của nước láng giềng Iraq.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, với tổng số vốn đầu tư là 3 tỷ USD, tuyến đường ống này dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2013. Công trình này nằm trong dự án tuyến đường ống dẫn khí trị giá 10 tỷ USD có tổng chiều dài hơn 1.500 km và công suất vận chuyển 110 triệu m3/ngày, nối trung tâm công nghiệp Assaluyeh nằm ở tỉnh miền nam Bushehr của Iran với thủ đô Damascus của Syria qua lãnh thổ Iraq.
Ngoài ra, Iran đang có kế hoạch kéo dài tuyến ống này tới Lebanon và Địa Trung Hải để cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Dự án trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3-5 năm tới và sẽ là đối thủ cạnh tranh với dự án đường ống Nabucco do Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn, xuất phát từ các nước Trung Á tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, ngày 25/7/2011, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohammad Aliabadi cùng người đồng cấp Abdul Kareem Luaiby của Iraq và Sufian Alow của Syria đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ trị giá 10 tỷ USD. Theo thỏa thuận này, Syria sẽ nhập khẩu 20-25 triệu m3 khí đốt/ngày từ Iran trong khi Iraq sẽ mua 25 triệu m3 khí đốt/ngày được khai thác tại mỏ South Pars của Iran tại vịnh Pécxích để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện tại quốc gia này.
Iran là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Nga. Trữ lượng khí đốt đã được kiểm chứng của nước này lên tới khoảng 28 tỷ m3, chiếm 16% trữ lượng của thế giới.
Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairô)