Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani bày tỏ hài lòng trước quan hệ hữu nghị có chiều sâu và tình “anh em” giữa 2 nước láng giềng. Ông khẳng định quan hệ song phương “chưa bao giờ thân thiết đến thế” và nhấn mạnh những “thành công trong tiến trình cải thiện mối quan hệ hữu nghị mang tính xây dựng” giữa Qatar và Iran. Quốc vương Qatar cũng trao đổi về những tiến triển mới nhất trong nỗ lực ngoại giao của Doha nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn và tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza.
Về phần mình, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đánh giá cao mối quan hệ giữa 2 quốc gia đang diễn ra “rất tốt đẹp”, mong muốn thúc đẩy mối quan hệ “anh em thân tình” thông qua việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã ký kết trước đó. Ông cũng khẳng định quan hệ hợp tác giữa Iran và Qatar trong các vấn đề khu vực và quốc tế là “mang tính xây dựng và thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh”. Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cũng cảm ơn Qatar vì vai trò trung gian hòa giải trong các vấn đề liên quan tới Iran cũng như khu vực.
Hai bên cũng thảo luận về các nỗ lực chung nhằm giúp đỡ Palestine, ngăn chặn những cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, tăng cường viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ này, cũng như thúc đẩy hòa giải trong nội bộ Palestine để họ tự quản lý các vùng lãnh thổ của mình.
Cũng trong ngày 13/2, trang Sky News Arabia dẫn nguồn tin từ Ramallah tiết lộ một quan chức ở Qatar đã chuyển thông điệp tới Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas, trong đó, phong trào Hamas bày tỏ sẵn sàng chấp thuận thành lập chính phủ kỹ trị để quản lý Bờ Tây và Dải Gaza sau khi kết thúc chiến tranh.
Trước đó, tờ Asharq al-Awsat của Saudi Arabia đưa tin Tổng thống Abbas đang thảo luận về khả năng thành lập Chính phủ đoàn kết mới của Palestine. Trong khi đó, Hamas cũng đồng ý gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhằm thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới được công nhận năm 1967.
Phong trào Hamas, thông qua trung gian Qatar, đã truyền đạt tới PA 3 yêu cầu với tên gọi là “tài liệu về các nguyên tắc cơ bản của Arab” gồm: kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza và mở ra triển vọng về giải pháp hai nhà nước; thành lập chính phủ kỹ trị để tái thiết Dải Gaza; các phe phái trong nội bộ Palestine cần hòa giải và Hamas sẽ tham gia PLO.
Trong một động thái khác, Tổng Thư ký Phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah tối 13/2 (giờ địa phương) tuyên bố Hezbollah sẽ chỉ chấm dứt pháo kích miền Bắc Israel chừng nào nước này kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza.
Trước đó cùng ngày, Hezbollah đã phóng tên lửa vào thị trấn Kiryat Shmona ở miền Bắc Israel khiến 1 phụ nữ và 1 thiếu niên bị thương nặng. Trong vài ngày qua, phong trào Hồi giáo này đã liên tục tấn công lãnh thổ Israel. Đáp lại, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng điều động máy bay chiến đấu không kích nhiều vị trí của Hezbollah ở miền Nam Liban để trả đũa.
Hôm 12/2, Pháp đã đưa ra đề xuất nhằm chấm dứt các vụ giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah. Theo đó, Hezbollah sẽ có 10 ngày để rút khỏi vùng đệm cách biên giới với Israel khoảng 10km. Tuy nhiên, giới chức Israel ngày 13/2 khẳng định chưa nhận được bất cứ đề nghị nào từ phía Paris và vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Israel đối với tình hình xung đột ở khu vực biên giới phía Bắc.
Về phía Hezbollah, ông Nasrallah không đánh giá cao đề xuất của Pháp khi cho rằng những ý tưởng này chỉ có lợi cho phía Israel. Ông khẳng định Hezbollah sẽ tiếp tục tấn công Israel và lưu ý “mọi lựa chọn đều được cân nhắc”, đồng thời cam kết “một khi đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza thì những cuộc tấn công từ Liban cũng sẽ ngừng lại”.